SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nguồn lực tư nhân trong phát triển khoa học và công nghệ

[08/07/2025 07:54]

​​​​​​​Doanh nghiệp tư nhân được xác định là động lực chính cho sự phát triển bền vững của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH, CN, ĐMST), cần được trợ lực nhiều hơn trong thời gian tới.

Sắp tới sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển KH, CN, ĐMST.

Tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ

Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH, CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia ra đời, đã khởi đầu cho sự chuyển dịch mạnh mẽ trong tư duy đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN). Nghị quyết đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt 2% GDP. Trong đó, kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%, mà doanh nghiệp tư nhân là lực lượng nòng cốt.

Tại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KH, CN, ĐMST, chuyển đổi số và Đề án 06 vừa qua, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh phát triển KH, CN, ĐMST, chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực phát triển. Đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực”.

Theo điều tra, đến cuối năm 2024, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, chỉ có trên 800 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, được hưởng chính sách ưu đãi. Nguyên nhân chủ yếu là do sự trùng lặp về chính sách ưu đãi giữa các ngành nghề và lĩnh vực. Doanh nghiệp gặp khó trong thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục giao quyền các kết quả KH&CN có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước,…

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&CN: “Chúng ta đang sửa Luật KH&CN thành Luật KH, CN và ĐMST để thể chế hóa các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước với nhiều đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng. Một trong những chính sách đột phá là chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước”.

Động lực phát triển bền vững

Hậu Giang hiện có 3 doanh nghiệp KH&CN. Công ty TNHH MTV Ươm tạo LV là doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận gần đây nhất. Sau 4 năm, doanh nghiệp này đã triển khai nhiều hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là đầu tư Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Hỗ trợ đổi mới sáng tạo Hậu Giang, tại Khu Công nghệ số tỉnh, là nơi cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ; xúc tiến thương mại,… góp phần đưa hoạt động KH, CN, ĐMST của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Theo Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 do Bộ KH&CN công bố, Hậu Giang chỉ có 0,4% doanh nghiệp có hoạt động ĐMST, thuộc nhóm có tỷ lệ thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, tỉnh có đến 10,61% doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong tổng số doanh nghiệp mới thành lập, cho thấy tiềm năng phát triển hoạt động KH, CN và ĐMST trong doanh nghiệp tại tỉnh là khá lớn, cần được hỗ trợ đẩy mạnh trong giai đoạn tới.

Nghị quyết số 193 ngày 19-2-2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KH, CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, đã ban hành chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động KH&CN. Kỳ vọng sắp tới, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được Quốc hội thông qua, sẽ có thêm nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, giúp doanh nghiệp tư nhân tự tin, nhiệt huyết hơn trong triển khai hoạt động KH, CN, ĐMST.

Ông Nguyễn Huỳnh Phước, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh, cho biết: “Chúng tôi sẽ kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số để tăng cường đầu tư vào KH&CN tại địa phương. Tăng cường hoạt động KH, CN, ĐMST và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và các chính sách ưu đãi đầu tư, thuê, mua các sản phẩm, dịch vụ số từ các bộ, ngành, Trung ương”.

Theo Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 do Bộ KH&CN công bố, Hậu Giang chỉ có 0,4% doanh nghiệp có hoạt động ĐMST, thuộc nhóm có tỷ lệ thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, tỉnh có đến 10,61% doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong tổng số doanh nghiệp mới thành lập, cho thấy tiềm năng phát triển hoạt động KH, CN và ĐMST trong doanh nghiệp tại tỉnh là khá lớn, cần được hỗ trợ đẩy mạnh trong giai đoạn tới.

ĐANG THƯ – Báo Hậu Giang

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ