SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Thành phố Cần Thơ sau hợp nhất: Sứ mệnh đầu tàu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

[08/07/2025 08:32]

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 12/6, cả nước còn 34 tỉnh, thành phố. Theo đó, trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang, đã hình thành thành phố mới mang tên thành phố Cần Thơ. Với nghị quyết lịch sử này, Cần Thơ - đô thị trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long - đang đứng trước một cơ hội bứt phá mạnh mẽ.

Một góc tại thành phố Cần Thơ.

Tiềm năng và cơ hội lớn

Sau khi sắp xếp, thành phố Cần Thơ có diện tích tự nhiên 6.360,83 km², quy mô dân số 4.199.824 người. Việc sáp nhập đã mở ra không gian rộng lớn, tạo điều kiện và tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn. Không chỉ là một đô thị lớn, thành phố mới còn là trái tim của Đồng bằng sông Cửu Long, mang sứ mệnh dẫn dắt cả vùng “cất cánh”.

Từ lâu, Cần Thơ đã được ví như “trái tim” của Đồng bằng sông Cửu Long nhờ vị trí địa lý chiến lược nằm ở trung tâm vùng. Nay, khi hợp nhất cả Hậu Giang và Sóc Trăng, Cần Thơ sẽ trở thành cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, với vùng biển rộng lớn, hệ sinh thái đa dạng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng sạch. Thành phố không chỉ là đầu mối giao thông huyết mạch kết nối nội vùng, mà còn vươn ra quốc tế, đóng vai trò trung tâm thương mại, tài chính sôi động, đồng thời dẫn dắt khu vực về đào tạo nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và y tế.

Tầm vóc và sứ mệnh của Cần Thơ được thể hiện rõ nét trong các văn kiện chiến lược quốc gia. Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xác định Cần Thơ là trung tâm động lực của vùng. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng này, khẳng định Cần Thơ phải thật sự là động lực tăng trưởng, kết nối liên vùng và quốc tế, phát huy tối đa tiềm năng để phát triển nhanh và bền vững.

Trong thảo luận định hướng phát triển thành phố Cần Thơ giai đoạn 2025–2030, lãnh đạo các địa phương trước khi hợp nhất đã đặt ra những mục tiêu cụ thể: phấn đấu đến năm 2030 đạt mức thu nhập trung bình cao (khoảng 8.400 USD/người) và vươn tới thu nhập cao vào năm 2045. Hạ tầng số được xác định là nền tảng cốt lõi. Thành phố dự kiến huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 422,3 nghìn tỷ đồng, nhằm đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trên 10%/năm. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch mạnh mẽ, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống dưới 16%, công nghiệp và xây dựng chiếm trên 35% vào năm 2030.

Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Để hiện thực hóa tầm nhìn tăng trưởng cao trong 5–10 năm tới, Cần Thơ đang dựa trên nền tảng vững chắc được tích lũy qua nhiều năm phát triển. Thành phố đã là trung tâm thương mại, tài chính sôi động, với hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ tài chính hoạt động hiệu quả. Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ đã khẳng định vị thế trong khu vực. Các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái vẫn là thế mạnh, đặc biệt trong sản xuất gạo chất lượng cao, chế biến thủy hải sản, gạo, phân bón, dược phẩm, bia và vật liệu xây dựng.

Sau 20 năm trực thuộc Trung ương, kinh tế Cần Thơ đã đạt mức phát triển khá, khẳng định vị thế trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. GRDP bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng năm 2020, tăng 1,65 lần so với năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 65% lên 75%, cho thấy sự cải thiện đáng kể về chất lượng nhân lực.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng và thành tựu, thành phố mới cũng đối mặt với không ít “nút thắt”. Đó là hạ tầng chưa đồng bộ. Dù đã có nhiều dự án cao tốc và cầu đường, hệ thống hạ tầng, đặc biệt kết nối đa phương thức, vẫn còn khoảng trống, làm tăng chi phí logistics, giảm sức cạnh tranh hàng hóa.

Sức hút đầu tư thời gian qua chưa tương xứng. Mặc dù tiềm năng lớn, thu hút FDI của Cần Thơ vẫn hạn chế, quy mô hoạt động xúc tiến đầu tư còn nhỏ, kinh phí chưa đủ mạnh để quảng bá địa phương. Nhiều dự án đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến nguồn lực chưa khai thác hiệu quả. Tình trạng này xuất phát từ các vướng mắc cơ chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, thiếu quỹ đất sạch – những yếu tố then chốt mà nhà đầu tư quan tâm.

Một thách thức lớn khác đến từ biến đổi khí hậu. Cần Thơ đang chịu tác động nặng nề từ mực nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, bão, gió lốc, đặc biệt là sạt lở bờ sông, kênh rạch ngày càng phức tạp.

Ngoài ra, nguồn nhân lực chuyên sâu và ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Chính sách thu hút nhân tài chưa hiệu quả, liên kết giữa Cần Thơ với các tỉnh lân cận trong vùng vẫn lỏng lẻo, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp. Thiếu một cơ chế liên kết hiệu quả sẽ giảm khả năng tận dụng lợi thế tài nguyên, thị trường, chuỗi cung ứng toàn khu vực.

Quyết tâm và đột phá để tăng tốc

Trước những khó khăn đó, Cần Thơ đang vạch ra lộ trình bứt phá giai đoạn 2025–2030, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, đậm bản sắc sông nước. Thành phố đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, cảng logistics, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao. Hạ tầng số sẽ là nền tảng quan trọng, hướng đến tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP năm 2030.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng, muốn đột phá phát triển, trước hết phải tập trung thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch vùng thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn 2050, và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển vùng thích ứng biến đổi khí hậu, lấy yếu tố “thuận thiên” làm tinh thần cốt lõi.

Những quy hoạch này, cùng mục tiêu hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, đã được Thủ tướng phê duyệt. Cần Thơ cần nghiên cứu lồng ghép các mục tiêu phát triển khoa học công nghệ và kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 57 về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Hiện thành phố mới có khoảng 22.000 doanh nghiệp, bình quân chỉ 5–6 doanh nghiệp/1.000 dân, trong khi mục tiêu Nghị quyết 68 đến 2030 là 20 doanh nghiệp/1.000 dân. Do vậy, cần đưa chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp hằng năm vào mục tiêu phấn đấu, để đóng góp thực chất vào kinh tế và thực hiện Nghị quyết 68.

Sau khi hợp nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh 4 khâu đột phá Cần Thơ phải tập trung:

- Thứ nhất, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông: đường bộ, đường thủy (cảng biển), hàng không, đường sắt, trọng tâm là cao tốc TP.HCM – Cần Thơ, đường sắt cao tốc, cảng Trần Đề.

- Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, nhân lực khoa học công nghệ.

- Thứ ba, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

- Thứ tư, đột phá cơ chế chính sách, cải cách hành chính, lồng ghép hợp tác quốc tế, đặc biệt trong khoa học công nghệ cao.

Cần Thơ đang đứng trước vận hội lớn, với nền tảng vững chắc, tầm nhìn rõ ràng, khát vọng mạnh mẽ. Với sự đồng lòng của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, “thủ phủ” miền Tây này hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, đậm bản sắc sông nước và là cực tăng trưởng quan trọng, lan tỏa thịnh vượng cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ