Ứng dụng tiểu cầu tự thân trong điều trị vô sinh
Một chế phẩm sinh học từ tiểu cầu tự thân do Bệnh viện Hùng Vương phát triển, giúp cải thiện độ dày nội mạc tử cung, mở ra cơ hội mang thai cho nhiều phụ nữ vô sinh.

Công trình nghiên cứu nhận Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần IV, tháng 7/2025. Ảnh: NNC
Nội mạc tử cung đóng vai trò then chốt trong chu kỳ sinh sản và khả năng làm tổ của phôi. Các rối loạn liên quan đến nội mạc, như nội mạc mỏng hoặc suy giảm chức năng, là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh và sảy thai tái diễn. Trong những năm gần đây, huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) – một chế phẩm sinh học chứa nhiều yếu tố tăng trưởng, đã được nghiên cứu như một liệu pháp hỗ trợ tái tạo mô trong nhiều lĩnh vực y học, đặc biệt là sản phụ khoa.
Từ hướng tiếp cận này, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cô đặc tiểu cầu lên sự tái tạo nội mạc tử cung”.
Theo đó, nhóm nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất một chế phẩm tiểu cầu tự thân có tên PRF-lysate, đồng thời đánh giá hiệu quả của nó trong phục hồi nội mạc tử cung thông qua các mô hình nghiên cứu in vitro, trên động vật và thử nghiệm bước đầu trên người.
PRF-lysate được tạo ra từ máu ngoại vi của chính người bệnh, trải qua quá trình ly tâm và hoạt hóa bằng nhiệt để giải phóng các yếu tố tăng trưởng sinh học trong tiểu cầu. Chế phẩm có dạng lỏng, giàu protein, không sử dụng hóa chất hoạt hóa hay chất chống đông, không chứa thành phần ngoại sinh, dễ dàng tiêm trực tiếp vào buồng tử cung hoặc sử dụng trong nuôi cấy mô. Quy trình sản xuất được cải tiến nhằm tối ưu khả năng phóng thích các yếu tố tăng trưởng quan trọng như VEGF, PDGF, TGF-β – vốn đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tăng sinh tế bào và tái tạo mô tổn thương, đặc biệt là mô nội mạc tử cung.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã xây dựng nhiều mô hình mô phỏng tổn thương nội mạc tử cung để kiểm tra hiệu quả của chế phẩm, bao gồm mô hình in vitro sử dụng mô tổn thương, mô hình nuôi cấy tế bào gốc nội mạc tử cung (hEnSCs), và mô hình động vật mắc hội chứng Asherman (tình trạng dính buồng tử cung do sẹo, thường gây rối loạn kinh nguyệt và vô sinh). Tất cả các thí nghiệm được thực hiện theo đúng quy chuẩn đạo đức nghiên cứu trên người và động vật, đã được Hội đồng Y đức của Bệnh viện Hùng Vương thông qua, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM và Viện Pasteur TPHCM.
Kết quả cho thấy PRF-lysate có khả năng kích thích sự tăng sinh, di cư và biệt hóa của tế bào gốc nội mạc tử cung, thúc đẩy sự hình thành tuyến và tái cấu trúc mô. Trên mô hình chuột mắc hội chứng Asherman, việc tiêm PRF-lysate vào buồng tử cung giúp tăng đáng kể độ dày nội mạc, mật độ tuyến và chỉ số mạch máu so với nhóm đối chứng.
Trong thử nghiệm bước đầu trên người, độ dày nội mạc tử cung của bệnh nhân tăng trung bình từ dưới 6 mm lên trên 8 mm – đạt ngưỡng cần thiết cho việc chuyển phôi trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm. Hiệu quả này đạt được mà không cần sử dụng thêm bất kỳ yếu tố tăng trưởng tổng hợp hay dược chất nào, góp phần giảm nguy cơ phản ứng phụ và tăng độ an toàn sinh học cho bệnh nhân.
Theo nhóm nghiên cứu, chế phẩm PRF-lysate có quy trình sản xuất đơn giản, không đòi hỏi thiết bị chuyên biệt, nguyên liệu sẵn có từ chính người bệnh, hoàn toàn phù hợp để triển khai tại các bệnh viện tuyến trung ương và trung tâm hỗ trợ sinh sản. Nhóm đang tiếp tục mở rộng quy mô thử nghiệm trên số lượng bệnh nhân lớn hơn, đồng thời chuẩn hóa quy trình bảo quản và sử dụng chế phẩm theo hướng có thể lưu trữ lâu dài trong điều kiện lạnh, tăng tính linh hoạt và hiệu quả triển khai thực tế.
Theo nhóm tác giả, nghiên cứu này không chỉ mở ra lựa chọn điều trị mới cho những bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp nội khoa hoặc can thiệp thông thường, mà còn là ví dụ điển hình cho hiệu quả của việc kết hợp giữa công nghệ sinh học và y học lâm sàng.
Với những đóng góp này, đề tài của nhóm tác giả đã được trao giải Nhì lĩnh vực Khoa học kỹ thuật Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 4, năm 2025.