SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cần siết chặt hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc

[26/09/2012 08:34]

Hàng hóa kém chất lượng tràn vào trong nước chủ yếu là từ Trung Quốc. Cần phải kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này từ các cửa khẩu. Rất nhiều độc tố gây hại sức khỏe ẩn chứa bên trong các loại đồ chơi trẻ em từ Trung Quốc.

Để làm rõ vấn đề này, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội).

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: Cadimin (cd) là một kim loại nặng, rất độc về nguyên tắc nó sẽ không được sử dụng trong bất cứ sản phẩm nào. Tuy nhiên, thực tế cadimin có thể được sử dụng để tạo bóng màu trong đồ chơi, đèn lồng cho trẻ. Cadimi có thể gây ngộ độc ở hai dạng.:

Dạng thứ nhất là ngộ độc ở dạng khí, khi chất này được đun nấu, hơi nước bốc lên thành dạng khí bay vào mũi. Dạng thứ hai là khi cadimi được hòa tan vào nước dưới dạng lỏng, hoặc rắn mà con người nuốt phải vào cơ thể. Trước mắt bệnh có thể làm rồi loạn sinh lý, về lâu dài có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Thưa ông, ngoài việc tạo bóng mầu trong đèn lồng, Cadimi còn được sử dụng để làm các sản phẩm nào khác?

Ngoài việc dùng cadimi tạo chất hóa dẻo, tạo bóng mầu làm đèn lồng và đồ chơi ra thì chất này còn được dùng phổ biến để sản xuất sơn, phẩm màu công nghiệp, làm pin, gia công đồ nhựa dùng trong sinh hoạt thường ngày.. Khi sản xuất đồ chơi phủ sơn, người ta dùng kẽm thô, sơn, phẩm màu, nhựa có lẫn cadimi hay dùng chính cadimi làm vật liệu mạ đánh bóng, do đó nó nhiễm vào sản phẩm.

Các loại đồ chơi bày bán ngoài thị trường có chứa Cadimi có nguy hại như thế nào đối với sức khỏe nhất là đối với trẻ em thưa ông? 

Trẻ càng bé nguy cơ nhiễm chất hóa học cadimi càng lớn. Thông thường, với nhóm tuổi từ 0-1 tuổi, trẻ thường có thói quen ngậm, nắm đồ chơi. Đây chính là nguyên nhân chính dẫ tới tình trạng trẻ bị ngộ độc cadimi. 

Với các loại đồ chơi có hàm lượng cadimi cao, trẻ tiếp xúc lâu ngày sẽ bị rối loạn hệ thống hoạt động sinh hóa học của kẽm canxi và nhiều hệ thống hoạt động sinh hóa học khác, làm chậm phát triển xương, còi xương (khi trẻ), loãng xương (khi già). Về lâu dài, có thể dẫn đến tử vong hay các bệnh lý khác thường như: Ung thư tiền liệt tuyến, phổi, vú...

Cũng cần lưu ý, ngoài chất cadimi, thì đồ chơ cho trẻ em còn chứa nhiều chất độc hại khác như chất tạo mầu công nghiệp, hay nhựa tái chế. Đây cũng là những thành phần dễ gây ngộ độc và làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Làm thế nào để xác định việc trẻ có thể nhiễm độc cadimi hay không? Trẻ bị nhiễm độc thường có những biểu hiện nào thưa ông?  

Thật khó để biết được việc trẻ có hay không bị nhiễm độc cadimi hay không. Việc trẻ có bị nhiễm cadimi hay không còn tùy thuộc vào việc trẻ ngậm đồ chơi chứa chất này nhiều hay ít, ngậm lâu hay chỉ ngậm thời gian ngắn… Muốn xác định rõ thì Bộ Y tế cần phải đưa ra một quy trình giám định cụ thể. Tuy nhiên, thường trong những trường hợp trẻ nhiễm độc cadimi thì trẻ có thể có một số biểu hiện như rối loạn sinh lý, rối loạn nội tiết… như đã nói bên trên.

Có cách nào để có thể phân biệt đồ chơi có chứa cadimin và đồ chơi không chứa hóa chất độc hại này?

Nếu chỉ dựa vào mắt thường thì khó có thể phát hiện ra đâu là đồ chơi chứa cadimi, đâu là đồ chơi sạch. Tuy nhiên, nếu tinh ý khi quan sát ta cũng có thể lựa chọng được một sản phẩm đồ chơi tốt cho trẻ nhỏ. Ví như, với những đồ chơi chính hãng thì sản phẩm đồ chơi được làm từ nhựa cực kỳ tốt, mặt bóng, góc cạnh, chi tiết đẹp, tinh tế.

Riêng với những đồ chơi không đảm bảo chất lượng thì sản phẩm rất thô, không tinh sảo. Thực tế hiện nay, đa phần đồ chơi cho trẻ đều được sản xuất ở những xưởng gia công đồng loạt tại Trung Quốc, nên chất lượng có hạn. Còn tại Việt Nam, đồ chơi dù được sản xuất kiểu thủ công tại các lò xưởng nhưng việc tô vẻ, sử dụng cadimi cũng khá phổ biến.  

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới việc đồ chơi Trung Quốc tràn ngập vào thị trường Việt Nam?

Một điều dễ nhận thấy chính là vì hàng Trung Quốc nói chung và đồ chơi trẻ em của Trung Quốc nói riêng có giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, bắt mắt. Tất nhiên điều này không đồng nghĩa với chất lượng tốt, tuy nhiên vì nó đánh trúng thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam, ưa hàng rẻ nên lượng hàng vẫn bán chạy vèo vèo. Trong khi đó, Nhà nước ta vẫn chưa thực sự quan tâm tới thị trường sản xuất, cung ứng đồ chơi cho trẻ em, vì thế nhu cầu nhập khẩu hàng ngoại là chuyện đương nhiên xảy ra.

Vậy làm cách nào để có thể kiểm soát sản phẩm này thưa ông?

Về mặt nguyên tắc thì chúng ta không thể tự kiểm soát được các sản phẩm này, điều này cần sự nhập cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Muốn kiểm soát tốt đồ chơi nhập khẩu từ Trungg Quốc cần phải có các biện pháp nghiên cứu, giám sát, phân loại… từ đó  ngăn cản, xử lý triệt để hàng lậu, hàng không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần phải có những thông tin định hướng, tư vấn rõ ràng cho người tiêu dùng về việc mua bán sử dụng các sản phẩm này.

Xin cảm ơn ông!

vietq.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ