Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu lộ trình và các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Cần Thơ sau khi Việt Nam gia nhập WTO và sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới”
Ngày 18/10/2012, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội đồng Khoa học nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu lộ trình và các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Cần Thơ sau khi Việt Nam gia nhập WTO và sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới” do PGs.Ts. Đoàn Thanh Hà – Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm.
Đề tài thực hiện nhằm mục tiêu làm rõ những yếu tố tác
động đến năng lực cạnh tranh tại các doanh nghiệp thành phố Cần Thơ sau khi
Việt Nam gia nhập WTO và sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới; phân tích,
đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)
trên địa bàn thành phố Cần Thơ sau khi Việt Nam gia nhập WTO và sau thời kỳ
khủng hoảng kinh tế thế giới; xây dựng, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực
cạnh tranh cho các DNNVV thành phố Cần Thơ từ 2013 – 2015, 2012 – 2020; xây
dựng lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh các DNNVV trên địa bàn thành phố Cần
Thơ từ 2013 – 2015, 2016 – 2020.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Cần Thơ
có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội, là nơi quy tụ, sử dụng
tài năng và các tiềm lực của thành phố; tỷ trọng đóng góp lớn trong các chỉ
tiêu phát triển kinh tế của thành phố, góp phần vào sự tăng trưởng và ổn định
kinh tế xã hội, giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và các vấn đề
xã hội khác. Trong thời gian qua, do nội lực yếu, môi trường kinh doanh chưa thực
sự thuận lợi cộng với những chấn động do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh
tế toàn cầu, đã đặt khả năng cạnh tranh của các DNNVV của thành phố Cần Thơ vào
thế bất lợi. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV là một tất yếu
khách quan trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Để nâng cao
năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cuối cùng là giải pháp và lộ
trình nang cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Để hệ thống doanh
nghiệp này của thành phố Cần Thơ từng bước nang cao năng lực cạnh tranh, qua đó
trụ vững và từng bước lớn mạnh, cần có sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, nhà
nước và chính quyền địa phương thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận
lợi, minh bạch và sự chỉ đạo sát sao, đồng bộ trong các chính sách hỗ trợ, mà
cụ thể là:
- Đối với doanh nghiệp: nhanh chóng cải thiện năng lực
tài chính thông qua tích lũy và đa dạng các nguồn lực tài chính mà doanh nghiệp
có thể và được phép tiếp cận (hệ thống ngân hàng thương mại, nguồn ưu đãi của
Nhà nước và các tổ chức tài chính, huy động từ xã hội thông qua trường tài
chính, các chính sách hỗ trợ năng lực tài chính,…); nâng cao trình độ trang
thiết bị, công nghệ hướng tới tiếp cận và sở hữu, làm chủ những công nghệ tiên
tiến – đây được coi là chiến lược bền vững cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp;
đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc để phù hợp với xu thế phát triển mới (bao gồm
tái cấu trúc chiến lược kinh doanh, nguồn nhân lực, cơ cấu tổ chức, quản trị,
thị trường, sản phẩm…) theo hướng chuyên nghiệp, trung và dài hạn, phù hợp với
xu thế và những chuẩn mực chung của nền kinh tế và thế giới. Nâng cao tính liên
kết hợp tác chặt chẽ trong cộng đồng doanh nghiệp để cùng phát huy lợi thế cạnh
tranh và phát triển.
- Đối với Nhà nước, thành phố, các Hiệp hội cần tạo
dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thống nhất khuôn khổ pháp lý
cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn. Tiếp
tục hoàn thiện và đưa ra các văn bản pháp luật thực thi vào cuộc sống, tránh
việc ùn tắc và hạn chế các khoảng trống trong quản lý nhằm xây dựng một chiến
lược hội nhập lâu dài. Chính sách cần có tầm nhìn trung và dài hạn, hạn chế
việc xử lý tình thế. Kịp thời nắm bắt những những khó khăn, vướng mắc của doanh
nghiệp về mặt chính sách: vốn, khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai,
thuế,…giảm bớt phiền hà trong thủ tục hành chính, tăng cường sự hỗ trợ các
doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin
thị trường…Tất cả những hỗ trợ đó sẽ tạo ra yếu tố mới cho các doanh nghiệp bớt
khó khăn. Tuy nhiên sự giúp đỡ này phải được thực hiện theo lộ trình và lâu
dài. Thêm vào đó, cần tích cực đẩy mạnh các hợp tác ở cấp quốc gia với các nước
và tổ chức kinh tế để cập nhật thông tin về thị trường. Chính quyền các cấp
cũng cần có thêm các hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp như một hình thức
tiếp nhận phản hồi những bất cập của quá trình vận hành chính sách. Từ đó có
thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan trực
tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Sự quan tâm, chỉ đạo và phối
hợp kịp thời với trách nhiệm cao của các cơ quan quản lý cũng như những cán bộ
công chức sẽ trở thành nguồn động viên tinh thần rất lớn cho hệ thống DNNVV
vượt lên.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phải được
thực hiện đồng bộ nhiều khâu, nhiều yếu tố, song cần tập trung vào các khâu
then chốt, có tính quyết định. Đây không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà còn
là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan chính quyền các cấp và toàn xã hội, bởi nâng
cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố và
chịu sự tác động của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là nội
dung quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn
với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao
chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.