Đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù KH-CN
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị như trên với các Bộ, ngành tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia nhiệm kỳ 2012-2016 mới đây tại Hà Nội.
Toàn cảnh phiên họp lần
thứ nhất Hội đồng chính sách nhiệm kỳ 2012-2016. (Ảnh: Mai Hà) |
Thủ tướng thông báo, tại
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6 vừa rồi đã thông qua Nghị quyết về KH-CN,
trong đó xác định rõ việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản
lý, cơ chế hoạt động KH-CN là khâu đột phá, nhất là tập trung đổi mới công tác
xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KH-CN, phương thức đầu tư, cơ chế tài
chính, chính sách cán bộ, cơ chế hoạt động tự chủ của các tổ chức KH-CN.
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị
Hội đồng cần tập trung nghiên cứu để đánh giá được tác động của hệ thống chính
sách đối với hoạt động KH-CN “Tôi muốn nhấn mạnh một điều là hệ thống cơ chế, chính
sách cho hoạt động KH-CN hiện nay do nhiều bộ, ngành ban hành như chính sách
đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ chế tài chính do Bộ Tài chính, chính sách
sử dụng cán bộ do Bộ Nội vụ… Vì vậy các bộ ngành hãy cùng Bộ KH-CN xem xét,
tiến hành những đổi mới cần thiết để chúng ta sớm có được hệ thống cơ chế,
chính sách tốt, phù hợp với đặc thù của KH-CN” .
Phải đặt hàng
nghiên cứu
Vì sao còn nhiều kết quả
nghiên cứu khoa học chưa được đưa vào thực tiễn? Theo Phó Thủ tướng Nguyễn
Thiện Nhân, ngoài vấn đề tài chính và cơ chế chính sách thì còn vấn đề nữa là
đặt hàng, bởi hiện nay các tỉnh, các ban ngành chưa có nhiều đặt hàng mà chủ
yếu là do các nhà khoa học tự nghĩ ra đề tài rồi đề xuất thực hiện. Sau khi
hoàn thành, nếu không có đơn vị có nhu cầu chuyển giao thì các nhà khoa học
đành phải “cất đi”. Cho nên trong thời gian tới, các bộ, ngành phải đặt hàng đề
tài phục vụ cho chính ngành của mình.
Phó Thủ tướng cũng cho
biết, hiện nay Bộ KH-CN và Bộ Tài chính đang soạn thảo hướng dẫn, cụ thể hóa
các vấn đề khoa học, vấn đề chi theo hiệu quả và chỉ kiểm soát hiệu quả cuối
cùng của đề tài, quản lý đầu ra của đề tài. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu
Hội đồng nên có chính sách về vấn đề rủi ro trong nghiên cứu, cần phải chấp
nhận có sự không thành công của nghiên cứu khoa học, phải thay đổi tư duy cứ
chi tiền là phải thành công mà nên xây dựng quy định cho từng loại đề tài, ví
dụ đề tài cấp, cấp bộ bao là nhiêu tiền và phải chấp nhận việc có những đề tài
thực hiện không thành công.
Phát biểu tại Phiên họp,
TS. Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết, đối với các cơ chế KH-CN đặc thù
cần phải có Luật riêng, người lãnh đạo phải có tầm và phải tập hợp được đội ngũ
nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước.
Bộ trưởng cam kết: “Bộ
KH-CN sẽ có trách nhiệm tập hợp các nhà khoa học hàng đầu người Việt Nam
trong và ngoài nước; đồng thời mong muốn có một môi trường làm việc tốt trong
nước theo mô hình quốc tế để họ về làm việc, cống hiến cho đất nước. Bởi hiện
nay nước ta chưa có Viện nào đáp ứng được môi trường làm việc của các nhà khoa
học đang nghiên cứu ở nước ngoài. Trước mắt chúng tôi sẽ trình quốc hội riêng
về vấn đề mô hình Viện KIST, phải có một cơ chế đặc biệt, nếu không sẽ lại chỉ
cho ra đời một Viện na ná Viện nào đó”.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm,
Giám đốc Bệnh viện nhi Trung ương cho rằng, để nền KH-CN Việt Nam tiếp cận được
với nền KH-CN tiên tiến thế giới thì cần bắt đầu từ cơ chế tuyển chọn, cơ chế
đào tạo, cơ chế đãi ngộ nhân lực cho hoạt động KH-CN phải thật bài bản, tránh
tình trạng như hiện nay là khi muốn tiếp thu một tiến bộ mới thì các cơ sở rơi
vào tình trạng lúng túng trong việc cử cán bộ đi học, hay mời chuyên gia đến
nhưng lại không có kinh phí. Vì vậy, Chính phủ nên có kênh riêng để đào tạo các
nhà khoa học có tiềm năng và tài năng.
Thực tế hiện nay, kết quả nghiên
cứu khoa học nước ta còn hạn chế, chưa được áp dụng nhiều vào thực tế là do cơ
chế tài chính chậm đổi mới. PGS.TS Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng cho rằng,
vướng mắc chính là ở vấn đề tư duy chưa chấp nhận việc nghiên cứu thất bại mà
chỉ mặc định nghiên cứu phải thành công, dẫn đến kìm hãm sự đam mê, sự chia sẻ,
tính quyết đoán của người nghiên cứu.
Sớm ban hành cơ
chế đặc thù với các nhà khoa học
Tại Phiên họp, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của Hội đồng Chính
sách KH-CN Quốc gia trong xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, đưa
KH-CN vào cuộc sống. Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết Trung ương 6 đã xác
định việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế
quản lý, cơ chế hoạt động khoa KH-CN là khâu đột phá, trong đó tập
trung đổi mới công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển
KH-CN, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ
chế hoạt động tự chủ của các tổ chức KH-CN.
Thủ tướng đề nghị các
chuyên gia, nhà khoa học, quản lý cần bám sát mục tiêu, yêu cầu phát
triển kinh tế xã hội, mục tiêu phát triển KH-CN của đất nước và các
nhiệm vụ, giải pháp vừa được Hội nghị Trung ương 6 thông qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng cũng đề nghị Hội đồng nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách,
đãi ngộ các nhà khoa học, từ lựa chọn đề tài đến đề xuất cơ chế,
đặc biệt là đặt hàng nghiên cứu liên quan đến các vấn đề cấp thiết của xã hội.
Đồng thời đề xuất cơ chế cụ thể cho nhóm sản phẩm trọng điểm quốc gia, cơ chế
khoán trong thực hiện đề tài KH-CN,…Thủ tướng lưu ý Hội đồng cần nhanh
chóng nghiên cứu cơ chế khoán trong thực hiện các đề tài KH-CN, xây
dựng kế hoạch trong 5 năm tới cũng như các cơ chế nhằm huy động mọi
nguồn lực đầu tư cho KH-CN.
Ghi nhận những ý kiến đóng
góp của các đại biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giải
đáp những băn khoăn của các nhà khoa học về các vấn đề đang bị coi
là rào cản của KH-CN hiện nay như cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động
KH-CN, cơ chế chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của
đội ngũ trí thức, thu hút nguồn nhân lực. Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ
mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tư vấn, đề xuất kịp thời
từ Hội đồng nhằm đổi mới cơ chế, chính sách phát triển KH-CN để
KH-CN sớm trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là động lực
then chốt cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Theo báo cáo của PGS.TS
Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH-CN quốc gia, Trong nhiệm
kỳ 2012 – 2016, Hội đồng sẽ tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho
các đề án bổ sung, sửa đổi một số luật trong lĩnh vực khoa
học công nghệ như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công
nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử…
Đồng thời, đóng góp ý
kiến vào các Đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ và
của Bộ KH-CN như xây dựng quy hoạch hệ thống các tổ chức KH-CN, đổi
mới mô hình và phương thức hoạt động của các tổ KH-CN, chính sách
sử dụng nhân lực KH-CN và trọng dụng người tài, chính sách phát
triển thị trường công nghệ, đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế
tài chính cho hoạt động KH-CN, đường lối và chính sách hội nhập
quốc tế về KH-CN.
Hội đồng phối hợp chặt
chẽ với Bộ KH-CN và các Bộ, ngành khác tập trung nghiên cứu,
tư vấn với Thủ tướng Chính phủ về đánh giá tác động của hệ
thống cơ chế chính sách đối với hoạt động KH-CN, chính sách phát
triển đội ngũ KH-CN, chính sách thu hút các nhà đầu tư công nghệ,
nguồn nhân lực công nghệ… nhằm thu hút các nhà đầu tư công nghệ,
nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao, giúp đưa Việt Nam trở thành địa chỉ
hấp dẫn đủ năng lực đón nhận dòng dịch chuyển công nghệ từ các quốc gia có
nền công nghệ tiên tiến.
|