Dán nhãn để kiểm chứng chất lượng
Nhiều ngành và doanh nghiệp (DN) vẫn chưa xem việc dán nhãn năng lượng là một lợi thế cạnh tranh
Nhiều ngành và doanh
nghiệp (DN) vẫn chưa xem việc dán nhãn năng lượng là một lợi thế cạnh tranh,
chưa quyết tâm trong đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, vì còn
tâm lý e ngại, việc đầu tư sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, nên nhiều DN chưa
thực sự mặn mà triển khai dán nhãn tiết kiệm năng lượng (TKNL). Để hạn chế tình
trạng này, cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý của nhà nước cả về pháp
luật lẫn hỗ trợ, khuyến khích.
Giấy thông hành cần thiết
Ông Đặng Hải Dũng, Vụ Khoa
học và Công nghệ, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương cho biết, giai đoạn 2006
- 2011, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công thương, hoạt động dán nhãn năng lượng thí
điểm đã được triển khai cho một số sản phẩm như đèn huỳnh quang, đèn compact,
balast, quạt điện… Thế nhưng hiệu quả chưa cao. Có rất ít DN tham gia đăng ký
chứng nhận này, nên đến đầu năm 2013 khi việc dán nhãn năng lượng trở thành quy
định bắt buộc cho các thiết bị sử dụng điện trước khi ra thị trường thì việc ùn
ứ các DN chờ chứng nhận và dán nhãn năng lượng cho sản phẩm của mình là khó
tránh khỏi.
Ông Tô Đình Thái, điều
phối viên dự án Bresl, Bộ Công thương nhận định, nhãn năng lượng chính là “giấy
thông hành” giúp cho sản phẩm của DN phủ sóng nhanh hơn đến người tiêu dùng.
Đồng thời, nâng cao thị phần, khẳng định thương hiệu, chất lượng DN trên thị
trường. Còn người tiêu dùng sẽ có hội nhận diện và lựa chọn mua những sản phẩm
tốt hơn, đáng tin cậy và đặc biệt là tiết kiệm được chi phí trong quá trình sử
dụng. Đáng tiếc là nhiều DN vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ
trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tư pháp cho biết, trên thực tế, hiện tình trạng vi phạm
hành chính về nhãn năng lượng vẫn còn phổ biến. Điển hình nhất là hành vi sử
dụng nhãn năng lượng sai quy cách; sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thuộc danh
mục bị loại bỏ… Những trường hợp vi phạm này thường bị Thanh tra Bộ Công thương
xử phạt rất nghiêm.
Cụ thể, các đối tượng
không thực hiện dán nhãn năng lượng cho sản phẩm bắt buộc hay cung cấp thông
tin sai trên nhãn năng lượng so với giấy chứng nhận có thể bị phạt từ 30 - 50
triệu đồng; sử dụng nhãn năng lượng sai quy cách bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng;
dán nhãn năng lượng không đúng cho sản phẩm được chứng nhận, hoặc cho sản phẩm
chưa được chứng nhận bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng; sản xuất, nhập khẩu các sản
phẩm thuộc danh mục bị loại bỏ phạt từ 50 - 70 triệu đồng và buộc tiêu hủy, tái
xuất cấm lưu thông. Và việc thanh tra, xử phạt hành vi vi phạm trên sẽ được
tăng cường thực hiện trong thời gian tới.
Tăng cường quản lý của nhà
nước
Hiện nay, hầu hết các sản
phẩm, thiết bị sử dụng năng lượng đều đã có tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng. Các
quy định liên quan đến khuôn khổ pháp lý về dán nhãn năng lượng đã được xây
dựng ban hành. Mặt khác, trong Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã xây dựng chính sách tuyên truyền, vận động
người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm có dán nhãn năng lượng. Do đó, việc DN
chủ động thích ứng với quy định dán nhãn năng lượng ngay từ bây giờ là cần
thiết, đáp ứng yêu cầu thực tế tiêu dùng của người dân trong thời gian tới.
Ông Đặng Hải Dũng cho biết
thêm, để hạn chế những trường hợp chất lượng sản phẩm giảm đi sau khi đã được
dán nhãn, Văn phòng TKNL, Bộ Công thương đã đưa ra cơ chế kiểm tra, giám sát
sau dán nhãn. Định kỳ 6 tháng các DN đã được cấp chứng nhận và dán nhãn sản
phẩm TKNL có trách nhiệm lập báo cáo về số lượng, chủng loại sản phẩm đã được
xuất xưởng và dán nhãn TKNL gửi về bộ.
Cục Quản lý thị trường sẽ
thường xuyên có những cuộc kiểm tra bất thường về sản phẩm hàng hóa đã được dán
nhãn của DN đang lưu hành trên thị trường. Trong trường hợp có phát hiện sai
phạm lập tức có hình thức xử phạt, đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận TKNL.
Mặt khác, ông Trần Anh
Hào, Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương TPHCM cho biết, để tăng
cường hiệu quả việc triển khai quy định dán nhãn năng lượng, cần sự phân cấp
mạnh cho chính quyền địa phương. Mà cụ thể giao quyền trực tiếp tư vấn và chứng
nhận dán nhãn năng lượng cho DN sản xuất thiết bị tiêu thụ điện trên địa bàn.
Có như vậy mới tránh tình trạng ùn ứ tại bộ chức năng để chờ được dán nhãn năng
lượng.
Chính phủ đã yêu cầu các
chương trình mua sắm công phải ưu tiên mua sắm thiết bị có chứng nhận TKNL. Các
chính sách khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm chứng nhận
TKNL cũng như DN thực hiện dán nhãn năng lượng đã sẵn sàng. Nói cách khác, nhà nước
đã “bật đèn xanh” cho các DN. Điều còn lại là các DN sẽ chủ động và thích ứng
như thế nào.