SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hợp tác xã tiếp cận khoa học, công nghệ: Vẫn khó trăm bề

[12/12/2012 21:41]

Thông thường, HTX có vai trò là cầu nối trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật tới các hộ xã viên, tuy nhiên, các HTX trên địa bàn TP Hà Nội hiện đa phần ở trong tình trạng "đói" về khoa học công nghệ (KHCN), tư duy, nguồn nhân lực và phương pháp tiếp cận tiến bộ KHCN nên chưa làm tốt vai trò này. Đây là những thách thức không nhỏ để các HTX phát triển.

Chăm sóc hoa tại HTX Cây cảnh xã Thụy Hương. Ảnh: Thái Hiền
Theo nhận định của Liên minh HTX TP Hà Nội, chỉ có tổ chức HTX mới đứng ra làm cầu nối, là địa chỉ để tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ KHCN đến kinh tế hộ và người lao động. HTX hoa, cây cảnh của xã Thụy Hương là một minh chứng. Với tổng diện tích 8,5ha, triển khai xây dựng vào năm 2010, đã đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho HTX và xã viên, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. HTX thường xuyên nhận được đơn đặt hàng của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài thành phố nên đầu ra cho sản phẩm được bảo đảm. Dự kiến năm 2012, doanh thu của HTX hoa, cây cảnh xã Thụy Hương đạt trên 3 tỷ đồng. Có được thành công đó là nhờ HTX đã mạnh dạn trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất. Sau hai năm thành lập, HTX cây cảnh xã Thụy Hương đã đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng mô hình điểm NTM xã Thụy Hương.

Tuy hiệu quả đã rõ nhưng số HTX thành công trong ứng dụng KHCN vào sản xuất, đạt hiệu quả cao chưa nhiều. Xã viên, hộ xã viên HTX và người lao động vẫn thiếu kiến thức KHCN cả trong sản xuất trực tiếp và trong quá trình tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, tuy lực lượng lao động trong các HTX và doanh nghiệp thành viên của Liên minh HTX khá dồi dào nhưng chỉ có 30% HTX làm ăn được, 40% HTX trung bình, còn 30% yếu kém vì không biết ứng dụng KHCN.

Ths. Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) thuộc Liên minh HTX Việt Nam phân tích: "Một HTX không có công nghệ mới thì có thể nhập, không có dây chuyền thiết bị hiện đại có thể mua, không có vốn có thể vay, nhưng nếu không có người quản lý giỏi, không có cán bộ KHCN, không có thợ lành nghề thì rất khó duy trì và phát triển HTX". Một cán bộ KHCN vừa lao động trực tiếp, vừa đem các thành tựu KHCN áp dụng vào sản xuất - kinh doanh sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, bảo đảm sức cạnh tranh của HTX với thị trường. Thời gian qua, trong bộn bề khó khăn của các HTX, nổi lên một khó khăn đáng kể là thiếu lao động kỹ thuật. Hiện nay, tỷ lệ lao động đạt trình độ đại học của HTX chỉ khoảng 3%, số HTX thiếu thiết bị máy móc tiên tiến chiếm tới 67,1%... Vì vậy, nội lực HTX yếu toàn diện trước KHCN, kể cả về cơ sở vật chất và về con người.

Tại hội thảo nhân rộng HTX ứng dụng KHCN do Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) vừa tổ chức, hầu hết ý kiến đều nhận định, thực trạng HTX tiếp cận KHCN đã và đang có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với mặt bằng chung các lĩnh vực kinh tế của đất nước và trình độ KHCN thế giới. Theo tổng hợp của Trung tâm KHCN&MT cho thấy, các HTX ở nước ta vốn quen sản xuất nhỏ, kỹ thuật thủ công và công cụ thô sơ nên nhiều người xem nhẹ vai trò, tác động của KHCN. Không những thế, HTX của nước ta còn bị cuốn theo xu thế chung xã hội là sùng bái các công nghệ, thiết bị nhập ngoại. Vì vậy, để cải thiện vấn đề này, cần nâng cao trình độ học cho các thành viên HTX về KHCN để giúp họ tìm ra công nghệ phù hợp với năng lực và khả năng quản lý của mình. Một khó khăn nữa là đội ngũ cán bộ KHCN trong nước chưa mạnh, kể cả số lượng và tay nghề. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ KHCN của nước ta chỉ có 9% (bằng 1/4 so với các nước phát triển), số các nhà quản lý chiếm 6,5% (bằng 1/3 so với các nước phát triển), còn số nhà nghiên cứu phát minh chỉ có 2,5% (bằng 1/6 so với các nước phát triển).

Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An cho rằng, HTX tiếp cận với KHCN là vấn đề không chỉ cấp thiết với bước tiến của HTX, mà còn "nóng" với khoảng 70% dân số cả nước đã và đang cần đến vai trò của HTX. Vì vậy, giải quyết được vấn đề đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, các HTX mới có thể yên tâm xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong từng lĩnh vực, khai thác hiệu quả lợi thế kinh tế địa phương và nguồn nhân lực lớn ở các vùng miền đất nước.

Theo Báo Hànộimới (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ