Tự chủ nghiên cứu KHCN khó nhất là thiếu vốn
Chuyển đổi sang mô hình tự chủ, các viện nghiên cứu đã có chuyển biến tích cực và phát huy tính sáng tạo nhưng việc khó tiếp cận vốn vay cũng đang hạn chế các đơn vị này tham gia các dự án lớn.
Ảnh minh họa
Cách đây 3 năm, để tiếp
tục dự án chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã phải thế
chấp tài sản để vay tiền, tuy nhiên việc chỉ được xếp hạng tín nhiệm trung bình
khá nên trong tình hình khó khăn về vốn, các viện nghiên cứu thường là đối
tượng bị hạn chế cho vay đầu tiên.
Đây chỉ là một trong nhiều khó khăn mà
các viện nghiên cứu gặp phải trong quá trình chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm
theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn
Cẩm Tú, sau 6 năm thực hiện, Nghị định 115/2005/NĐ-CP đã cho thấy sự đúng đắn
về chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức khoa học-công nghệ (KHCN)
nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, qua đó, phát huy tính sáng
tạo của cán bộ KHCN.
Đến nay, Bộ Công Thương có 21/22 viện
nghiên cứu được phê duyệt chuyển đổi hoạt động theo mô hình mới của Nghị định
115/2005 NĐ-CP. Nhìn chung, các viện đã chuyển biến tốt về tính tự chủ về tổ chức,
tài chính, nhân lực.
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ trưởng
Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương), sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động,
doanh thu của phần lớn các viện đều tăng cao. Đặc biệt, một số viện như Viện Cơ
khí Năng lượng mỏ, Viện Máy và Dụng cụ công nghiêp (IMI) có doanh thu trên 500
tỷ đồng/năm. Trong đó, tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tự chủ chiếm tới 90%
tổng doanh thu.
Tuy nhiên, tại một hội nghị do Bộ Công
Thương tổ chức mới đây, đại diện các viện cho biết, khi chuyển sang cơ chế tự
chủ, các viện vẫn khó vay vốn ngân hàng và hình thành vốn lưu động để chuyển giao
công nghệ.
Đại diện Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có
dầu cho biết, do hoạt động theo Nghị định 115 nên các viện về nguyên tắc không
sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn, do đó không đủ tài chính để thực hiện các hợp
đồng lớn.
Bên cạnh đó, một khó khăn nữa đối với
tạo nguồn tài chính cho nghiên cứu khoa học là việc chưa khai thác được cơ sở
hạ tầng hiện có để đưa vào liên doanh liên kết.
Đại diện Viện Nghiên cứu Cơ khí cho
rằng, với việc không phân biệt tổ chức KHCN hoạt động theo Nghị định 115 và tổ
chức KHCN chưa chuyển đổi hoặc không phải chuyển đổi trong đấu thầu đề tài nghiên
cứu khoa học của Nhà nước chưa tạo được sự công bằng và ảnh hưởng đến tính cạnh
tranh trong việc tham gia đấu thầu, vì đơn vị đã chuyển đổi phải tính chi phí
lương trong giá chào thầu trong khi đơn vị chưa chuyển đổi không phải tính vì
đã được cấp. Do đó, Nhà nước cần hình thành cơ chế chính sách tạo điều kiện cho
các viện tham gia các dự án lớn.
Tại Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện
cơ chế tự chủ của các tổ chức KHCN thuộc Bộ Công Thương mới đây, các viện đã
kiến nghị một số vấn đề về ưu đãi thuế, tín dụng… Cụ thể, các viện nên
được vay vốn trung hạn, dài hạn với lãi suất ưu đãi và mức vay 100% dự toán đầu
tư.
Theo Bộ Công Thương, cần có quy định
cụ thể về cơ chế ưu đãi cho các viện nghiên cứu khi chuyển từ thực hiện theo
Nghị định 115 sang loại hình doanh nghiệp KHCN như Nghị định 80.
Ngoài ra, cần có hướng dẫn chuyển các
viện trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty. Nếu chuyển sang doanh nghiệp khoa
học công nghệ và áp dụng mô hình công ty cổ phần, nên có cơ chế riêng về quy
định vốn điều lệ, về giá trị phần vốn nhà nước, về đại diện chủ sở hữu vốn nhà
nước.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (nthieu)