SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Những kỳ vọng cho khoa học 2013

[12/01/2013 16:51]

Bước sang năm mới 2013, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực bày tỏ hy vọng, khoa học sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, tiếp nối thành công đã có trong năm 2012 vừa qua.

 Về vật lý

18.jpg

Một loại hạt hạ nguyên tử được phát hiện mùa hè năm vừa qua nhiều khả năng chính là hạt boson Higgs hay “hạt của Chúa” – yếu tố tạo nên khối lượng của tất cả các hạt khác, theo Mô hình chuẩn của Vật lý hạt. Khám phá này gần như là nỗi thất vọng đối với một số nhà vật lý, những người từng hy vọng hạt mới sẽ cư xử không như phỏng đoán, mở ra cánh cửa cho những lý thuyết vật lý mới.

Trong khi đó, theo nhà vật lý Tara Shears đến từ Đại học Liverpool (Anh), hạt Higgs không phải là bí mật cuối cùng. Trang Live Science dẫn lời nhà khoa học này nói, Mô hình chuẩn không lý giải được lực hấp dẫn, vật chất tối hay tại sao phản vật chất lại cư xử khác với vật chất thông thường.

Bà Shears nhận định, thách thức lớn tiếp theo đối với giới nghiên cứu vật lý là có được hiểu biết sâu rộng hơn, giúp lý giải và mô tả mọi khái niệm mà Mô hình chuẩn không thể. Đáp án cho câu hỏi này chắc chắn chưa thể có được trong năm 2013 này, nhưng bà Shears hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ thu thêm được một số kết quả quan sát, giúp tiến gần hơn với những hiểu biết mới.

Trong danh sách kỳ vọng cho năm 2013 của nhà vật lý Shears còn bao gồm cả những vấn đề vẫn bị bỏ ngỏ, chẳng hạn như các phát hiện bất thường về hạt Higgs hay những kết quả đo lường mới về vật chất và phản vật chất.

Về khí hậu

19.jpg

Năm vừa qua chứng kiến cái nóng và hiện tượng băng tan kỷ lục ở Bắc Cực, trong khi việc siêu bão Sandy tàn phá vùng đông bắc Mỹ hồi tháng 10 đã dấy lên các cuộc tranh luận về ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu. Nói một cách khác, 2012 là một năm “điểm nóng” về khí hậu.

Hàng loạt câu hỏi về những tác động của sự biến đổi khí hậu nghiêm trọng vẫn còn đó. Nhưng đối với chuyên gia khí hậu Claire Parkinson thuộc sứ mệnh Aqua của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), các thách thức trong năm mới không liên quan nhiều đến hoạt động nghiên cứu.

Bà Parkinson cho rằng, tranh cãi gay gắt về biến đổi khí hậu trong các năm vừa qua đã phủ bóng lên nhiều vấn đề quan trọng. Theo nhà khoa học này, tiến triển quan trọng nhất cần phải đạt được hiện nay là sự điềm tĩnh trong tranh luận. Điều đó có nghĩa là, các nhà khoa học cũng như những đối tượng khác cần phải chấm dứt việc lên án hay lăng mạ những người bất đồng chính kiến và phải nhìn nhận các quan điểm khác biệt với thái độ tôn trọng, đồng thời tiếp tục lý giải theo khoa học các hậu quả của biến đổi khí hậu – yếu tố đóng vai trò to lớn trong lịch sử 4,5 tỉ năm tiến hóa của Trái đất. 

Về không gian, vũ trụ

20.jpg

Với việc các robot lăn bánh trên sao Hỏa và giới thiên văn phát hiện thêm nhiều hành tinh mới ngoài hệ Mặt trời, 2012 đã là một năm khởi sắc đối với các nhà khoa học vũ trụ. Bước sang năm 2013, người ta kỳ vọng các nhà khoa học sẽ khám phá ra “Trái đất 2.0”, một hành tinh ngoài Thái Dương hệ của chúng ta nhưng có kích thước tương đương Trái đất và tiềm ẩn điều kiện cho con người cư trú được. Tuy nhiên, Abel Mendez – giám đốc Phòng thí nghiệm Sự cư trú trên các hành tinh thuộc Đại học Puerto Rico – cảnh báo, việc xác định liệu hành tinh “song sinh với Trái đất” có thuận lợi cho sự sống của con người hay không vẫn còn xa vời.

Theo ông Mendez, hiện tại, tất cả các hành tinh ngoài hệ Mặt trời đã được phát hiện tiềm tàng khả năng cư trú được, đều sở hữu kích thước “khủng” hơn Trái đất rất nhiều. Dẫu vậy, với độ nhạy tăng lên của các công cụ tìm kiếm và đo đạc, giới nghiên cứu có thể khám phá ra những thiên thể ngày càng nhỏ hơn. Việc thực hiện các đo đạc khoa học kỹ lưỡng hơn nhằm giúp chúng ta xác định bầu khí quyển của một hành tinh cách Trái đất nhiều năm ánh sáng thậm chí sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa. Không có những hiểu biết này, rất khó để nói hành tinh đó có thuận lợi cho sự sống của con người hay không.

Ông Mendez cho rằng, mục tiêu lớn nhất cho năm 2013 là tìm hiểu được tần suất xuất hiện của các hành tinh giống Trái đất cũng như khoảng cách giữa chúng với “ngôi nhà chung” của chúng ta.

Về tuổi thọ của con người

21.jpg

Chúng ta có thể sẽ không được chứng kiến sự ra đời của một “tiên dược” giúp con người trường thọ trong năm nay hoặc trong bất kỳ thời điểm nào khác của tương lai. Tuy nhiên, hàng loạt nghiên cứu gần đây đã tái củng cố quan điểm rằng, lối sống giúp kéo dài tuổi thọ.

Theo Michael Joyner, chuyên gia thuộc Trung tâm Y tế Mayo (Mỹ), các nghiên cứu nhằm giải mã những bí mật về gen giúp có tuổi thọ cao rốt cuộc không tìm thấy bất kỳ loại gen then chốt nào giúp đảm bảo chủ nhân sẽ sống lâu hơn. Dẫu vậy, chúng đều tái khẳng định tất cả những lời khuyên mọi người thường được nghe: tránh xa thuốc lá, tích cực vận động thể chất, duy trì chế độ ăn phù hợp và sống lạc quan, yêu đời.

“Những gì mới phát hiện thực tế đều là những cái đã được biết đến từ lâu”, ông Joyner cho biết trên trang Live Science. Nhà nghiên cứu này nhận định, những người giàu, có nền tảng giáo dục cao nếu tuân thủ các lời khuyên đã được chứng minh là đúng đắn này nhiều khả năng sẽ tạo ra nhóm người đông đảo sống hơn 100 tuổi trong tương lai. Và điều đó có thể tạo ra một thế giới khác lạ về nhân khẩu học. Khi đó, ngoài sự bất bình đẳng về kinh tế, sự bất bình đẳng về tuổi thọ có thể là thách thức lớn tiếp theo của con người.                                                                               

VietNamNet. (ttxthanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ