SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu phát triển kỹ thuật ương nuôi cá chình hoa (Anguilla marmorata) thâm canh đạt năng suất cao và có hiệu quả kinh tế ở Cần Thơ”

[23/01/2013 10:24]

Ngày 22/01/2013, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội đồng Khoa học nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu phát triển kỹ thuật ương nuôi cá chình hoa (Anguilla marmorata) thâm canh đạt năng suất cao và có hiệu quả kinh tế ở Cần Thơ” do PGs.Ts. Trần Ngọc Hải – Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm.

Mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định độ mặn, thức ăn và mật độ thích hợp cho ương cá chình bột để cung cấp giống cho nghề nuôi; xác định loại thức ăn và mật độ thích hợp và có hiệu quả nhất cho ương cá chình con và xác định loại thức ăn thích hợp và có hiệu quả cho nuôi cá chình thâm canh.

Qua thời gian nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài có những kết luận:

- Ương cá chình bột: ương cá chình bột tốt nhất ở độ mặn 0‰ với tăng trưởng trung bình 3,64 g/con, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối 0,014 g/ ngày, tốc độ tăng trưởng đặc biệt 2,625 %/ ngày, và tỷ lệ sống 94,2% sau 10 tháng ương. Ương cá chình bột tốt nhất khi cho ăn Artemia + thức ăn nhân tạo (3,28g/ con) hoặc cho ăn trùn chỉ + thức ăn nhân tạo (3,01 g/ con) và tỷ lệ sống cao nhất ở khi cho cá ăn trùn chỉ + thức ăn nhân tạo (96,7%) sau 10 tháng ương. Ương cá chình bột tốt nhất ở mật độ 200 - 300 con/m3 với tăng trưởng 2,40 - 3,03 g/ con và tỷ lệ sống 87,5 - 90,6% sau 10 tháng ương.

- Ương cá chình giống: Ương cá chình giống cỡ nhỏ trong hệ thống bể lọc tuần hoàn tốt nhất khi cho cá ăn thức ăn nhân tạo kết hợp với cá tạp với tăng trưởng (6,01 g/ con), tốc độ tăng tưởng tuyệt đối 0,018 g/ ngày, tăng trưởng tương đối 0,55 %/ ngày, tỷ lệ sống 90% sau 8 tháng ương. Tuy nhiên, cũng có thể cho ăn thức ăn nhân tạo hoàn toàn rất tốt trong điều kiện không đủ nguồn cá tạp, giúp chủ động thức ăn. Có thể ương cá chình giống cỡ nhỏ trong hệ thống bể lọc tuần hoàn đến mật độ 80 con/ m3. Ương cá chình giống cỡ lớn trong hệ thống bể lót bạt tốt nhất khi cho cá ăn thức ăn nhân tạo kết hợp cá tạp với tăng trưởng 72,2 g/con, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối 0,17 g/ ngày, tăng trưởng tương đối 0,55%/ ngày, tỷ lệ sống 72,2% sau 8 tháng ương. Đồng thời vẫn có thể cho cá ăn thức ăn nhân tạo hay cá tạp hoàn toàn khi cần thiết. Có thể ương cá chình giống cỡ lớn trong hệ thống bể lót bạt đến mật độ 40 con/ m3.

- Bệnh cá chình: mật độ vi khuẩn tổng cộng trong bể ương nuôi cá chình dao động trong khoảng 0,024 – 0,391x106 CFU/ml, nằm trong giới hạn cho phép của cá chình ương nuôi trong bể. Các chủng vi khuẩn kháng hoàn toàn 4 loại thuốc kháng sinh: ampicillin và amoxycillin/ clavulanic acid, cephalexin, flumequine; nhạy tương đối cao với florfenocol (75%), ciproflaxacin (70%), cefotaxime (70%), tetracycline (65%). Kết quả định danh 20 chủng còn lại thuộc giống vi khuẩn Aeromonas spp. Trong đó có 4 chủng vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Có 2 nhóm ký sinh trùng là Trichodina và Dactylogrus xuất hiện trên cá chình nuôi. Từ kết quả đạt được trong ương cá chình thương phẩm cho thấy việc ương cá chình giống cũng có những khó khăn trong vấn đề con giống nuôi thương phẩm cho thấy việc ương cá chình ở các giai đoạn giống khác nhau trong hệ thống lọc tuần hoàn hay trong bể đất lót bạt với các loại thức ăn nhân tạo kết hợp trùn chỉ hay thức ăn nhân tạo  kết hợp Artemia (đối với cá chình bột); thức ăn nhân tạo kết hợp cá tạp (đối với cá chình giống) là rất khả thi và cần thiết để chủ động cung cấp giống cho nghề nuôi cá chình thương phẩm.

Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã có một số đề xuất như: cần triển khai nghiên cứu ương thực nghiệm cá chình bột và cá chình giống cỡ nhỏ trong bể đất lót bạt; tiếp tục nghiên cứu xây dựng công thức thức ăn nhân tạo với các hàm lượng đạm khác nhau cho ương cá chình; gây cảm nhiễm để xác định khả năng gây bệnh của vi khuẩn phân lập được trên cá chình;Phân tích mô bệnh học để xác định tổn thương do vi khuẩn gây ra ở mức độ tế bào.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ