Chỉ trong vài năm gần đây, đảo quốc Singapore với khoảng hơn 5 triệu dân đã trở thành gần như là "thiên đường" cho các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.
Theo báo Pháp Le Monde,
vào những năm 2000, Chính phủ nước này đã chú trọng đầu tư nhiều vào khoa học
và công nghệ với tham vọng biến đảo quốc này thành một xã hội tri thức, phù hợp
với nền "kinh tế tri thức”. Nhờ tăng trưởng luôn ở mức hai con số, quốc
đảo này tăng gấp đôi ngân sách cho nghiên cứu, mức chi còn cao hơn của Pháp.
Hiện ngân sách cho nghiên cứu của Sinhgapo vẫn tiếp tục tăng đều, và chính phủ
nước này đặt mục tiêu là đạt mức 3% GDP, ngang ngửa với các nước có mức chi cho
khoa học cao nhất như Nhật Bản, Phần Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc…
Ở ta, chưa tính mức đầu tư
cho NCKH còn rất thấp, chỉ tính ưu đãi và trọng dụng các nhà khoa học nhằm nâng
cao tầm trí tuệ dân tộc và để cho các nhà khoa học có thể đóng góp trí tuệ và
công sức của mình vào phát triển đất nước, một hệ thống cơ chế, chính sách phù
hợp là cần thiết nhưng nay vẫn… đang hoàn thiện.
Nghị quyết Hội nghị lần
thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ
phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế tập trung vào ba đối tượng
chính được hưởng cơ chế ưu đãi là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học
được nhà nước giao nhiệm vụ của quốc gia và các nhà khoa học trẻ của quốc gia.
Nghị quyết giao nhiệm vụ cho Chính phủ và các Bộ trong đó có Bộ Khoa học và
Công nghệ sớm xây dựng hệ thống cơ chế chính sách này!
Trở lại câu chuyện quốc
đảo. Sau hơn 10 năm đầu tư không ngừng, giờ đây các nỗ lực bắt đầu đơm hoa kết
trái. Những trường đại học lớn của Singapore đã lọt vào top các đại
học hàng đầu tại châu Á, đứng sau Nhật Bản và trên Trung Quốc. Hai trường đại
học danh tiếng nhất ở đây là Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học quốc
gia Singapore (NUS). Bên cạnh hai trường đại học danh tiếng đó, quốc gia này
còn sở hữu nhiều trung tâm công nghệ nổi tiếng khác, trực thuộc bộ Công nghiệp,
tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực y-sinh học, công nghệ thông tin.
Trong vòng sáu năm, lượng
nghiên cứu sinh đến ghi danh tại NTU và số lượng các công trình nghiên cứu được
đăng tải đã tăng gấp 4 lần. Với xu hướng phát triển đó, NTU tiếp tục mở rộng
khu giảng đường, đủ khả năng tiếp nhận đến 34.000 sinh viên, và mở thêm một số
ngành học mới. Tại đây có TS. Nguyễn Kiến Trúc Giang, sinh năm 1986, cựu học
sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang nước ta hiện là giảng viên trường ĐH này.
Ở ta đến nay vẫn đang xem
xét sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000, trong đó quy định các
doanh nghiệp Nhà nước và khuyến khích doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế
phải dành một phần lợi nhuận để đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ,
với hy vọng nguồn tài chính cho khoa học và công nghệ sẽ gấp nhiều lần so với
hiện nay.
Ngoài ra cái cần tháo gỡ
là cơ chế tài chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học và áp
dụng rộng rãi cơ chế của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ cho hoạt động khoa
học và công nghệ. Nói khác đi là tạo điều kiện cho các nhà khoa học đơn giản
hóa các thủ tục tài chính, có thể là được áp dụng định mức cao hơn bổ sung
nhiều nội dung chi, tạo điều kiện cho nhiều nhà khoa học tiếp cận với những kết
quả nghiên cứu của thế giới.
Cần xây dựng hệ thống cơ
chế chính sách để trọng dụng đãi ngộ giới khoa học không phải bằng tiền lương
mà là môi trường làm việc, điều kiện làm việc để các nhà khoa học có độ tự chủ
cao trong việc sử dụng kinh phí kể cả ngân sách nhà nước và kinh phí xã hội cho
hoạt động nghiên cứu của mình. Vấn đề là toàn bộ hệ thống chính trị từ các cấp
lãnh đạo quản lý cho đến các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thực
quan tâm và coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, có dành cho khoa
học và công nghệ nguồn lực xứng đáng nhất hay không?
Một trong những lợi
thế để Singapore
là thiên đường khoa học vì đất nước này có nền chính trị ổn định, tiếng Anh là
một trong bốn ngôn ngữ chính thức. Nước ta bao giờ có "thiên đường khoa
học”? Còn xa hút...