SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập và xác định khả năng gây bệnh của vi khuẩn Aeromonas hydrophila trên cá lóc (Channa striata).

[17/03/2013 22:02]

Đề tài do Phạm Minh Đức và Trần Ngọc Tuấn khoa Thủy sang trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm mục tiêu xác định vi khuẩn Aeromonas hydrophila phải chăn là tác nhân gây bệnh xuất huyết trên cá lóc ở giai đoạn giống.

Cá lóc (Channa striata) phân bổ tự nhiên chủ yếu ở các nước Châu Á như: Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Sir Lanka, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam (Fishbase, 2012). Cá lóc là loại nuôi phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long và đa dạng về hình thức nuôi (Nguyễn Văn Thường, 2004; Lê Xuân Sinh và Đỗ Mạnh Chung, 2009). Đa dạng mô hình nuôi đã tác động đến môi trường nuôi và sinh vật nuôi, đây là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và gây bệnh. Các nhóm mầm bệnh trên cá lóc nuôi thâm canh trong ao đất được ghi nhận là vi khuẩn, ký sinh trùng và vi nấm (Phạm Minh Đức và ctv.,2012). Kết quả điều tra của Nguyễn Thị Diệp Thúy (2010) đã đánh giá cá lóc nuôi thường có tỷ lệ nhiễm với biểu hiện xuất huyết là 60%. Cá có dấu hiệu bỏ ăn, bơi lờ đờ, trên thân có các đóm xuất huyết màu đỏ, lở lét, vây thói rữa, xoang bụng tụ dịch, nội quan xuất huyết được xác định là do tác nhân vi khuẩn A. hydrophila gây ra (Popovic et al., 200; Ibrahem et al.,2008). Vi khuẩn A. hydrophila được mô tả có khả năng gây bệnh trên cả các loại cá nước ngọt và nước nặm trong điều kiện tự nhiên và điều kiện nuôi (Doukas et al., 1998; Popovic et al., 2000). A. hydrophila được xác định là tác nhân gây bệnh trên một số loài thủy sản như Pangasius bocourti, Pangasius pangasius, Cyprius carpio, Clarias batrachus, Anguilla australis, Oxyeleotris marmoratus, Macrobranchium rosenbergii, Channa striata và Oreochromis niloticus (Tanasomwang and Saitanu, 1979; Saitanu et al., 1982; Angka, 1990; Esteve et at., 1993; Tangtrongpiros, 2006; Ibrahem et at., 2008). Nhiều nghiên cứu về A. hydrophila đã được tìm hiểu trên các loài thủy sản khác nhau (Iqbal et at., 1999; Estave et at., 2004; Majumdar et at., 2007; Panangala et at., 2007; Chirilă et at., 2008; Chu and Lu, 2009; Yogananth et at., 2009; Aberoum and Jooyandeh, 2010; Uma et at., 2010) và đã đưa ra câu hỏi phải chăng A. hydrophila là tác nhân gây xuất huyết trên cá lóc ở giai đoạn giống thì chưa được thực hiện. Do đó, tiến hành nghiên cứu này là cần thiết để cung cấp thông tin về tác nhân gây bệnh xuất huyết trên cá lóc.

 

Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành phân lập chủng vi khuẩn Aeromonas hydrophila CĐ1012 từ cá lóc có dấu hiệu bệnh lý như xuất huyết trên thân và các vây, trên bụng có nhiều đóm đỏ, vảy dễ rụng khi lấy ra, mắt phù và đục ở các vèo nuôi trong ao đất ở huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Thí nghiệm gây cảm nhiễm được thực hiện ở Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ trong 14 ngày bằng phương pháp tiêm trực tiếp vào xoang bụng (tại gốc vây ngực) của cá khỏe và không có dấu hiệu bệnh lý với mật độ vi khuẩn 3,67x103, 3,67x104, 3,67x105, 3,67x106 CFU/ml. Sau 14 ngày tiêm, kết quả cho thấy tỉ lệ cá chết 100 ± 0,0% ở mật độ 3,67x106 CFU/ml và thấp nhất 30% ở mật độ 3,67x103 CFU/ml. Tỷ lệ cá chết trong các bể đối chứng không tiêm và nước muối sinh lý lần lượt là 0± 0,0% và 6,67± 0,0%. Cá chết trong thí nghiệm gây cảm nhiễm được ghi nhận đều có dấu hiệu bệnh lý giống nhau, giống với dấu hiệu cá bệnh được thu mẫu tại ao nuôi. Giá trị LD­50 được xác định là 1,16x105 CFU/ml. Tổng số 12 chủng vi khuẩn được tái phân lập và định danh là Aeromonas hydrophila dựa trên các đặc điểm hình thái và sinh hóa. Ngoài ra, hai chủng vi khuẩn tái phân lập CT1107 và CT1109 được định dạng bằng phương pháp PCR. Kết quả ghi nhận thể hiện vạch 209 bp cùng với chủng Aeromonas hydrophila CĐ1012 dùng trong thí nghiệm gây cảm nhiễm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy Aeromonas hydrophila có thể là tác nhân gây bệnh trên cá lóc (Channa striata) ở giai đoạn giống với các dấu hiệu bệnh lý như xuất huyết trên thân và các vây, trên bụng có nhiều đốm đỏ, vảy dễ bị rụng khi lấy ra, mắt phù và mờ đục. Kết quả đã chứng minh trong điều kiện thí nghiệm chủng vi khuẩn A. hydrophila  CĐ1012 có khả năng gây bệnh xuất huyết có dấu hiệu bệnh lý như trong điều kiện ao nuôi.

Tạp chí NN&PTNT số 21/2012
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ