SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu biện pháp quản lý tổng hợp mối hại rừng trồng bạch đàn uro, keo lai và keo tai tượng tại các vùng trọng điểm của Việt Nam

[17/03/2013 22:15]

Đề tài do Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bùi Thị Thủy – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện nhằm mục tiêu nghiên cứu biện pháp quản lý tổng hợp mối hại rừng trồng bạch đàn, keo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác trồng rừng, an toàn với môi trường và cộng động.

Diện tích rừng trồng của nước ta tính đến năm 2010 có 3,08 triệu ha, trong đó diện tích rừng sản xuất chiếm tỷ lệ 73,8%. Các tập đoàn cây giống có đặc tính mọc nhanh cho năng suất và chất lượng cao đã được tuyển chọn phục vụ phát triển rừng trồng nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa. Bạch đàn (Eucalyptus spp.) và keo (Acacia spp.) là các loài cây trồng rừng chủ lực ở Việt Nam. Trong quá trình trồng rừng tập trung, bạch đàn và keo bị nhiều loài côn trùng gây hại. Mối là đối tượng có thể gây chết hàng loạt cây con, thậm chí cả cây trưởng thành khỏe của rừng trồng bạch đàn và keo.

Trên thế giới đã có một số công trình nghiên cứu đưa ra biện pháp phòng trừ mối hại rừng trồng bạch đàn, keo (Atkinson (1998), Hänel (1982)). Biện pháp quản lý tổng hợp một số loại sâu bệnh chủ yếu hại cây nông nghiệp, lâm nghiệp đã được nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên, mối là côn trùng xã hội nên biện pháp này cũng có những điểm khác với côn trùng đơn lẻ.

Su (1998) là người đầu tiên đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp mối Coptotermes formosanus hại công trình kiến trúc bằng cách đặt các trạm mồi nhử giám sát hoạt động của mối. Đối với mối gây hại cây rừng trồng, do sự đa dạng về thành phần loài nên đặc điểm gây hại của chúng rất khác nhau.

Ở nước ta, trước đây mới có một số công trình nghiên cứu nhỏ lẻ về biện pháp phòng trừ mối hại rừng trồng bạch đàn, keo bằng cách sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao, hiện đã bị cấm sử dụng. Nguyễn Thị Bích Ngọc và Bùi Thị Thủy (2012) đã xác định được 26 loài mối ở rừng trồng bạch đàn và keo tại 03 vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và xác định 03 loài hại chính là Microtermes pakistanicus, Macrotermes barneyi và Macrotermes annandalei. là rất cần thiết.

 

Kết quả nghiên cứu biện pháp quản lý tổng hợp mối hại rừng trồng bạch đàn uro và keo lai, keo tai tượng trên hiện trường tại 03 vùng sinh thái: Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam cho thấy:

Sử dụng biện pháp lâm sinh và sinh học đơn thuần cho hiệu quả phòng trừ mối thấp ngoài hiện trường. Sử dụng thuốc hóa học Lenfos 50EC, Lentrek 40EC, Termidor 25EC ở nồng độ 0,2-0,3% cho hiệu quả phòng trừ mối tốt hơn ở các vùng sinh thái.

Mô hình trồng rừng bạch đàn uro, keo lai và keo tai tượng tại 03 vùng sinh thái được áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp mối (biện pháp lâm sinh, sinh học, hóa học) đảm bảo tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, hạn chế mức độ phân tán mối trên địa bàn trồng rừng và sử dụng thuốc hóa học ở liều lượng hợp lý.

Dư lượng thuốc trừ mối Lenfos 50EC và Termidor 25EC sử dụng tại mô hình phơi nhiễm ra môi trường đất và nước đều nằm dưới mức giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, FAO và WHO, đảm bảo an toàn với môi trường.

Tạp chí NN&PTNT số 21/2012
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ