Cần cơ chế tài chính đặc thù cho KHCN
Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng cần có cơ chế tài chính đặc thù để khắc phục tình trạng chậm trễ trong cấp phát kinh phí nghiên cứu khoa học công nghệ thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 7/4, Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân cho biết một trong những nguyên
nhân gây chậm trễ trong cấp phát kinh phí nghiên cứu KHCN thời gian qua
là do chúng ta hành chính hóa việc phê duyệt các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN như
các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
Chỉ rõ nguyên nhân chậm cấp kinh phí cho nghiên cứu KHCN
Theo quy trình hiện nay, trước ngày 31/7 hàng năm Bộ KHCN phải phê
duyệt các dự án của năm sau, gửi sang Bộ Tài chính để chuẩn bị làm dự toán
ngân sách, trình Quốc hội phê chuẩn sau đó mới có kinh phí giao cho các nhà
khoa học.
Để có được danh mục các dự án KHCN được phê duyệt vào 31/7 hàng
năm thì mọi công việc như đề xuất dự án nghiên cứu, thành lập hội đồng tư vấn
tuyển chọn, xét chọn... phải được thực hiện trước đó 5-7 tháng.
“Vì vậy, những dự án, nhiệm vụ KHCN khi được cấp kinh phí thì
thường là những nhiệm vụ được xét duyệt cách đó 1 năm”, Bộ trưởng Nguyễn Quân
nói. Điều này đã khiến nhiều đề tài nghiên cứu KHCN cấp nhà nước đã trở nên lỗi
thời, không còn tính thời sự hoặc không đủ kinh phí để thực hiện do trượt giá.
Chia sẻ với những ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý KHCN cần rút
ngắn quy trình thẩm định để các nhà khoa học có thể triển khai đề tài nghiên
cứu được sớm hơn, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết với quy trình xét duyệt kinh
phí đề tài nghiên cứu như hiện nay thì dù có giải ngân ngay kinh phí nghiên
cứu, thì thời điểm giao kinh phí cũng cách thời điểm đề xuất nhiệm vụ hàng năm
trời.
Chưa kể, vài năm gần đây, ngành KHCN còn phải áp dụng thêm quy
trình thẩm định lại một lần nữa các đề tài đã được phê duyệt khi tiến hành giải
ngân, khiến việc cấp kinh phí nghiên cứu đã chậm càng thêm chậm.
“Ví dụ kinh phí dành cho các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp nhà nước
năm 2011 đến tháng 2/2012 mới được giao, kinh phí nghiên cứu năm 2012 thì
đến tháng 10/2012 mới được giao và kinh phí năm 2013 thì vừa mới có”, Bộ trưởng
Nguyễn Quân cho biết thêm.
Do vậy, việc cải cách cơ chế cấp phát kinh phí cho các nhiệm vụ
KHCN là hết sức cần thiết và đã được nêu ra trong Nghị quyết Hội nghị TƯ 6
(Khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong đó nhấn mạnh, việc tài trợ kinh phí cho các
nhiệm vụ nghiên cứu KHCN phải phù hợp với tiến độ phê duyệt các nhiệm vụ này và
mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của quỹ phát triển KHCN.
Cần tạo thuận lợi cho các nhà khoa học
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, đây là điểm rất quan trọng trong việc
xây dựng cơ chế để có thể cấp kinh phí ngay cho các nhà khoa học khi phê duyệt
đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu KHCN. Còn với cơ chế quỹ thì cơ quan quản lý nhà
nước về KHCN có thể chủ động để cấp kinh phí cho các đề tài đã được thẩm định,
đánh giá. Đối với quỹ thì không phải quyết toán theo năm mà theo hợp đồng và
năm nay sử dụng không hết có thể chuyển sang năm sau. Từ đó, tạo thuận lợi nhất
cho các nhà khoa học. Sắp tới, Bộ KHCN sẽ thể chế hóa những chủ trương này qua
Luật KHCN sửa đổi.
Đồng tình với những ý kiến gửi đến chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng
trả lời” về việc cần phải chủ động đề xuất điều chỉnh các quy định cho phù hợp
với hoạt động nghiên cứu KHCN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết một trong những
bài học của các nước phát triển và các nước thực hiện thành công công nghiệp
hóa thời gian qua đó là không hành chính hóa việc việc xây dựng kế hoạch nghiên
cứu khoa học mà xây dựng một cơ chế đặc thù.
Vừa rồi, sau Nghị quyết Hội nghị TƯ 6, Chính phủ đã có Nghị quyết
36 phê duyệt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 6, trong
đó giao cho các bộ ngành nghiên cứu, sửa đổi các điều luật ngân sách hiện hành,
thuế thu nhập doanh nghiệp, một số luật chuyên ngành KHCN.
“Điều này đòi hỏi những người làm quản lý nhà nước, đặc biệt là
lãnh đạo các bộ ngành phải đổi mới tư duy, nếu nói rằng luật ngân sách là chân
lý, không thể thay đổi được và yêu cầu thực hiện theo những điều luật đã trở
nên lạc hậu thì chắc chắn chúng ta không bao giờ đổi mới được hoạt động KHCN
nói riêng và cơ chế chính sách để phát triển đất nước nói chung”, Bộ trưởng
Nguyễn Quân chia sẻ.