Nghiệm thu dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn ở huyện An Phú, tỉnh An Giang”
Sáng ngày 02/4/2013, tại phòng họp Sở KH&CN tỉnh An Giang, Ks. Cao Văn Be (Giám đốc Sở KH&CN) đã chủ trì phiên họp Hội đồng KH&CN đánh giá nghiệm thu dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn ở huyện An Phú, tỉnh An Giang”.
Dự án do Ks. Trương Chí Thông (Phòng Nông Nghiệp và PTNT
huyện An Phú) làm chủ nhiệm, thực hiện từ tháng 3/2011 – 3/2013, nhằm ứng dụng
thành công tiến bộ KH&CN trong ương nuôi cá sặc rằn, góp phần khai thác
tiềm năng thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến
cá sặc rằn truyền thống của huyện An Phú tỉnh An Giang. Đây là dự án thuộc
Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ
phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi” giai đoạn 2004 –
2010 do Trung ương quản lý.
Sau hơn 2 năm thực hiện, chủ nhiệm dự án và các cộng sự
đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, nội dung, cũng như sản phẩm phải đạt theo đề
cương phê duyệt, cụ thể:
Về công tác chuyển giao công nghệ: Trung tâm Giống thủy
sản tỉnh An Giang đã tổ chức đào tạo- tập huấn chuyển giao cho Kỹ thuật viên và
nông dân trên địa bàn huyện An Phú bao gồm phần lý thuyết lẫn thực hành đạt yêu
cầu theo thuyết minh được phê duyệt của dự án. Tuy nhiên, mức độ làm chủ các
công nghệ, việc ứng dụng các quy trình công nghệ về sinh sản nhân tạo, ương
giống cá và nuôi thâm canh cá sặc rằn còn chưa thật sự đồng đều giữa các kỹ
thuật viên và hộ nông dân.
Về mức độ thực hiện các nội dung và quy mô đã đề ra của
dự án: Nội dung và quy mô đã thực hiện so với nội dung và quy mô đăng ký tại
thuyết minh dự án đạt 100%, cá biệt có tỷ lệ vượt về mô hình ương và mô hình
nuôi thương phẩm.
Về phương pháp tổ chức, quản lý, chỉ đạo thực hiện dự án:
phối hợp tốt giữa cơ quan chủ trì dự án, cơ quan chuyển giao công nghệ và địa
bàn tiếp nhận dự án. Cán bộ kỹ thuật của đơn vị chuyển giao phối hợp với cán bộ
kỹ thuật ở địa phương và hộ nông dân để hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát
sinh trong lúc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong mô hình ương, nuôi. Trong
quá trình thực hiện chủ nhiệm dự án cũng thông tin đầy đủ qua báo cáo tiến độ
và phối hợp tốt để giám sát việc tổ chức thực hiện.
Về thời gian thực hiện dự án: Đúng tiến độ đề ra.
Về quản lý tài chính dự án: Kinh phí hỗ trợ từ kinh phí
ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương đã cấp đủ là 750 triệu đồng; đơn vị chủ
trì dự án sử dụng đúng các khoản mục (Chuyển giao công nghệ, nguyên vật liệu và
năng lượng, tổ chức hội thảo, tham quan...), đã thanh quyết toán đúng quy định.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của dự án:
Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội mang lại của dự án cho thấy có ý nghĩa rất
cao, thể hiện qua việc mang lại lợi nhuận cho nông dân trực tiếp nuôi, giải
quyết việc làm liên quan đến nghề nuôi, khai thác tiềm năng thế mạnh về nuôi
trồng thủy sản và chế biến từ đó góp phần phát triển kinh tế cho địa phương
Về khả năng duy trì và nhân rộng của dự án: Nhiều nông
dân mở rộng diện tích nuôi, Sở Nông nghiệp&PTNT dự kiến xây dựng chuỗi giá
trị cá sặc rằn, tiến tới việc xây dựng thương hiệu để sản phẩm khô cá sặc rằn
đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định hơn.
Kết quả, dự án được Hội đồng thống nhất đánh giá nghiệm
thu đạt loại “Đạt”. Chủ tịch hội đồng yêu cầu chủ nhiệm và cơ quan chủ trì dự
án chỉnh sửa bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng kết và hồ sơ liên quan theo ý
kiến đóng góp của các thành viên hội đồng./.