TP. Hồ Chí Minh: Trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu
UBND TP.HCM cho biết, mục tiêu phát triển khoa học và nghệ (KHCN) của TP.HCM đến năm 2020 là trở thành trung tâm KHCN hàng đầu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, tiến tới là của khu vực. Theo đó, đầu tư cho KHCN từ ngân sách thành phố sẽ tăng trung bình 20% hàng năm và huy động đầu tư từ xã hội cho KHCN tăng 30% hàng năm.
Những đóng góp không
nhỏ của KHCN
Theo UBND TP.HCM, kinh tế
thành phố trong giai đoạn 2006-2012 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá và thúc đẩy
chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trưởng bình
quân đạt 11%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2012 đạt 3.600 USD (năm 2011 đạt
3.130 USD). Cơ cấu kinh tế thành phố đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công
nghiệp có giá trị gia tăng cao làm nền tảng phát triển. Những kết quả đạt được
về kinh tế - xã hội này có sự đóng góp tích cực của hoạt động KHCN trong quá
trình đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất –
chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tỷ trọng 4 ngành
công nghiệp trọng yếu có hàm lượng KHCN cao như cơ khí chế tạo, điện tử - công
nghệ thông tin, hóa chất và chế biến tinh lương thực thực phẩm đều tăng dần qua
các năm. Trong đó, đặc biệt công nghiệp công nghệ thông tin đã góp phần đưa
thành phố trở thành trung tâm hàng đầu về phát triển CNTT của cả nước với tốc
độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm đạt 46,2%, trong đó doanh thu phần
mềm đạt 34,5% và doanh thu phần cứng đạt 48,4%. Tiêu biểu là việc tạo ra các
sản phẩm lõi IP điều khiển thay thế một số thiết bị, linh kiện nhập; chip
thương mại SG8-V1; chip nhận dạng từ xa bằng sóng radio-RFID; các bộ Kit chẩn
đoán bệnh…
Còn khu vực nông nghiệp
tăng trưởng bình quân đạt 4%/năm. Ngành nông nghiệp thành phố đang chuyển dần sang
nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống
cây, giống con và các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển
nông nghiệp đô thị sản xuất tập trung năng suất cao. Hiện trên 90% các loại rau
trồng, cây ăn quả, 90% đàn heo đã sử dụng giống mới, có chất lượng cao và trên
90% trang trại chăn nuôi đã đầu tư hệ thống theo hướng tự động và bán tự động,
chế phẩm sinh học cũng được nông dân sử dụng rộng rãi trong sản xuất…
Tính chung, trong giai
đoạn 2006-2012, thành phố đã chuyển giao hơn 400 kết quả nghiên cứu cho các đơn
vị ứng dụng, tỷ lệ đề tài ứng dụng vào thực tế sau nghiệm thu khoảng 35%; hỗ
trợ đầu tư 24 dự án KHCN cho các lĩnh vực cơ khí chế tạo và điện tử - viễn thông
– công nghệ thông tin với tổng đầu tư là 54,378 tỷ đồng cho thiết kế, chế tạo
75 máy móc, thiết bị cho các doanh nghiệp sản xuất với giá tương đương 60-70%
so với giá nhập khẩu; triển khai Chương trình Đổi mới công nghệ công nghiệp sản
xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp thành phố và Chương trình hỗ trợ
doanh nghiệp nâng cao năng suất – chất lượng, hội nhập với hơn 2000 doanh
nghiệp tham gia, đã được tư vấn các giải pháp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng
lượng, nâng cao năng lực thiết kế chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu, áp dụng
hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, phát triển tài sản trí tuệ.
Bên cạnh đó, với mục tiêu
phát triển các ngành công nghệ cao trong giai đoạn tới, thành phố đã hình thành
và tổ chức triển khai Sàn giao dịch công nghệ thành phố, đến nay đã tư vấn hỗ
trợ 16 dự án thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế
biến, vật liệu xây dựng, thiết lập mạng lưới giao dịch với 19 tổ chức và địa
phương, xây dựng cơ sở dữ liệu với hơn 700 công nghệ - thiết bị, 250 nhà cung
cấp và 60 khách hàng… Thành lập Viện Khoa học công nghệ tính toán với sự tham
gia của 10 nhà khoa học Việt kiều uy tín là lãnh đạo khoa học chủ chốt của
viện, 59 nghiên cứu viên và 6 phòng thí nghiệm. Thành lập Trung tâm Công nghệ
sinh học TP.HCM với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD. Đồng thời, đầu tư xây
dựng và trang thiết bị cho Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới Neptech tại
Khu công nghệ cao TP.HCM…
Trung tâm KHCN của cả
nước
Đây là mục tiêu phát triển
KHCN của TP.HCM đến năm 2020. Để tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của KHCN vào phát
triển kinh tế xã hội, để KHCN thực sự là động lực trong quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa, thành phố đã đề ra nhiệm vụ, tỷ lệ ứng dụng các đề tài KHCN
vào thực tế đến năm 2015 đạt 35% và 40% đến năm 2020. Doanh thu từ các đề tài
KHCN được ứng dụng đến năm 2015 khoảng 500 tỷ đồng và đạt 1.000 tỷ đồng đến năm
2020. Số đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đạt bình quân 200 đơn/năm
đến năm 2015 và đạt bình quân 400 đơn/năm vào năm 2020. Tỷ phần đóng góp của
tăng trưởng năng suất của các yếu tố tổng hợp TFP (Total Factors of
Productivity) của thành phố đạt 40% vào năm 2015 và đạt 45% vào năm 2020. Đầu
tư cho KHCN từ ngân sách thành phố do đó cũng sẽ tăng, trung bình 20% hàng năm,
và huy động đầu tư từ xã hội cho KHCN tăng 30% hàng năm. Số doanh nghiệp thực
hiện đầu tư đổi mới công nghệ đạt 60% với mức đầu tư chiếm 5% lợi nhuận trước
thuế vào năm 2015 và đạt 70% với mưc đầu tư chiếm 8% lợi nhuận trước thuế vào
năm 2020.
Theo UBND TP.HCM, đầu tư
cho KHCN luôn “sinh lời”, bằng chứng trong thời gian qua ngân sách thành phố đã
đầu tư 7 công trình khoa học với kinh phí 5,4 tỷ đồng theo hình thức “khoán đến
sản phẩm cuối cùng”: đầu tư từ khâu nghiên cứu, hoàn thiện quy trình và đưa vào
áp dụng trong sản xuất để thương mại hóa sản phẩm, kết quả đã ký 10 hợp đồng
chuyển giao 8 công nghệ từ kết quả nghiên cứu khoa học với trị giá 8,760 tỷ
đồng. Nổi bật là chuyển giao công nghệ sản xuất tinh dầu trầm bằng phương pháp
CO2 cho Công ty TNHH nghiên cứu sản xuất tinh dầu Handa với giá trị
trên 3,6 tỷ đồng; thiết kế lõi IP điều khiển thay thế một số linh kiện, thiết
bị nhập được chuyển giao cho 2 công ty cổ phần công nghệ với giá trị chuyển
giao tương đương 3,1 tỷ đồng…/.