Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/1/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với 6 nhiệm vụ chủ yếu.
Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên
là tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính
quyền, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và
giải pháp phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá
trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc
tế.
Thứ hai, tiếp tục hoàn
thiện thể chế để đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN.
Theo Chương trình, sẽ sửa đổi Luật KH&CN và xây dựng các văn bản hướng dẫn
để cụ thể hóa các nội dung đổi mới như lập kế hoạch, phân bổ ngân sách nhà nước
cho hoạt động KH&CN phù hợp với đặc thù của lĩnh vực KH&CN và nhu cầu
phát triển của quốc gia, ngành, địa phương, theo hướng căn cứ vào kết quả, hiệu
quả sử dụng kinh phí KH&CN của Bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh thực hiện cơ
chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN và khoán kinh phí theo kết quả đầu ra. Mở rộng
áp dụng cơ chế tài chính của quỹ phát triển KH&CN trong quản lý và thực
hiện nhiệm vụ KH&CN. Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và
phát triển; sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và xây dựng các văn bản hướng dẫn
thi hành để cụ thể hóa nhiệm vụ “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức
đầu tư và cơ chế tài chính” của Nghị quyết 20; sửa đổi Luật Chuyển giao công
nghệ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ và xây dựng, ban
hành các văn bản hướng dẫn thi hành; nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ nhập
khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong và
ngoài nước thuộc các lĩnh vực ưu tiên, cơ chế Nhà nước chủ động mua kết quả KH&CN
và hỗ trợ doanh nghiệp mua công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học,…;
xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, sử dụng và trọng dụng
cán bộ KH&CN.
Thứ ba, triển khai các
định hướng, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu. Cụ thể, tổ chức thực hiện có hiệu quả
Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020, chú trọng vào các định
hướng đã nêu trong Chiến lược; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các
chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực toán, vật lý, hóa học,
khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển, các chương trình KH&CN
liên ngành; tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia,
chương trình cấp nhà nước về KH&CN; chú trọng ứng dụng KH&CN để khai thác
có hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, nhất là khu vực
nông thôn, miền núi, hình thành các sản phẩm chủ lực của mỗi vùng.
Thứ tư, phát huy và tăng
cường tiềm lực KH&CN quốc gia. Chương trình nêu rõ, sẽ xây dựng Quy hoạch
hệ thống tổ chức KH&CN của cả nước phù hợp với các mục tiêu, định hướng
nhiệm vụ phát triển KH&CN trong từng giai đoạn, gắn với thực hiện cơ chế tự
chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập. Trong đó, tập trung
đầu tư phát triển Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội
Việt Nam, 2 đại học quốc gia và một số trường đại học trọng điểm, một số viện
nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến ở Châu Á. Hình thành các trung tâm nghiên cứu
hiện đại trong các lĩnh vực ưu tiên gắn với các phòng thí nghiệm trọng điểm
quốc gia, phòng thí nghiệm chuyên ngành, có liên kết với các tổ chức KH&CN
tiên tiến nước ngoài. Nghiên cứu xây dựng Đề án hình thành Viện KH&CN Việt
Nam - Hàn Quốc (VKIST); tập trung nguồn lực đầu tư và đưa vào hoạt động có hiệu
quả ba Khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Xây dựng quy hoạch
các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung
phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương; nghiên
cứu, xây dựng Đề án hình thành Bảo tàng KH&CN Việt Nam.
Thứ năm, phát triển thị trường KH&CN.
Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thị trường KH&CN
đến năm 2020; đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội,
TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và
chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công
nghệ khu vực và thế giới; tổ chức có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển
tài sản trí tuệ, xây dựng quy định về đánh giá, định giá tài sản trí tuệ,
chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ; xây dựng, thực
hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, ngăn chặn nhập khẩu
các sản phẩm, công nghệ lạc hậu;...
Cuối cùng là hợp tác và hội nhập quốc
tế về KH&CN. Chương trình nêu rõ, sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án Hội
nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020. Xây dựng và triển khai Chương trình hợp
tác nghiên cứu chung song phương và đa phương về KH&CN, Chương trình tìm
kiếm, giải mã và chuyển giao công nghệ nước ngoài về Việt Nam…; xây dựng chính
sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên
gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam.
Việc ban hành Chương trình hành động
Nghị quyết số 20-NQ/TW nhằm xác định nhiệm vụ để các Bộ, ngành, địa phương xây
dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc
thực hiện Nghị quyết 20, hướng đến phát triển mạnh mẽ KH&CN, đưa KH&CN
thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại,
kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của
nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nghị quyết có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 29/3/2013.