Xây dựng hệ thống quản lý tích hợp tại Coca-Cola
Nhà máy sản xuất vỏ chai mới của Coca-Cola tại Nga do Coca-Cola Hellenic điều hành áp dụng hệ thống quản lý tích hợp ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000 và OHSAS 18001 thống nhất với hệ thống đang được triển khai ở 75 nhà máy tại 28 quốc gia.
( Thiết bị làm sạch nước)
Coca-Cola
Hellenic, hãng sản xuất vỏ chai chính cho các sản phẩm của Coca-Cola, vừa khánh
thành nhà máy sản xuất đồ uống lớn nhất LB Nga nhằm phục vụ cho thị trường 140
triệu người. Nhà máy được xây dựng tại thành phố Rostov-trên sông Đông, tiêu
tốn 120 triệu USD tiền đầu tư và tạo ra hơn 400 việc làm. Đây được xem như một
phần của kế hoạch 5 năm - đầu tư hơn 3 tỉ USD cho nền kinh tế Nga - vì sự tăng
trưởng bền vững lâu dài.
Trong quá
trình xây dựng nhà máy mới, mục tiêu chính của Coca-Cola Hellenic là giảm thiểu
các tác động xấu đến môi trường thông qua áp dụng hệ thống quản lý môi trường
theo tiêu chuẩn ISO 14001 để cải thiện hiệu quả sử dụng nước, tiết kiệm năng
lượng, tái chế tối đa lượng phế phẩm bị thải ra. Trong số các giải pháp đã được
triển khai phải kể đến thiết bị làm sạch 1600m2 nước, được biết đến là thiết bị
mạnh nhất tại Nga. Thiết bị này sẽ gom nước từ các nguồn thải, tiến hành lọc để
tạo ra nước sạch cung cấp lại cho nhà máy. Như vậy, lượng tiêu thụ nước cũng
như lượng nước xả thải sẽ giảm đi đáng kể.
Tích hợp tiêu chuẩn
Coca-Cola
Hellenic điều hành 75 nhà máy tại 28 quốc gia châu Âu, phục vụ khoảng 560 triệu
người và sản xuất đạt hơn 2 tỉ đơn vị sản phẩm mỗi năm cung cấp cho các nhãn
hiệu lớn như Coca-Cola, Fanta, Nestea và Schweppes. Hệ thống quản lý đa diện
được triển khai xuyên suốt trong toàn công ty, tích hợp ISO 9001 về chất lượng,
ISO 14001 về môi trường, ISO 22000 về an toàn thực phẩm, OHSAS 18001 về an toàn
và sức khỏe nghề nghiệp, và trong tương lai không xa là ISO 26000 về trách
nhiệm xã hội.
Từ khi áp
dụng ISO 14001, các cải tiến về môi trường mà công ty đạt được là rất ấn tượng.
Để đảm bảo nguồn nước sử dụng là bền vững, mỗi nhà máy đóng chai đều tiến hành
đánh giá rủi ro nguồn nước và kết quả là, lượng nước “nguồn” giảm trong khi sản
lượng tăng. Cuối năm 2010, có đến 99% nước thải được xử lý.
Các sáng
kiến về tiết kiệm năng lượng của công ty, bao gồm cả cam kết xây dựng 20 đơn vị
cấp phát nhiệt - điện tại nhà máy, đã cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng
lên 23%. Cùng với đó, đến năm 2015, lượng khí thải CO2 được kì vọng sẽ giảm 25%
so với năm 2004.
Tổng
lượng thải chuyển ra bãi giảm 58% so với năm 2004 và 85% phế thải được tái chế,
với chủ yếu là nhựa PET được tái sử dụng trong sản xuất chai mới. Hơn nữa, chai
nhựa PET nhẹ hơn 16% so vơi năm 2004 và sử dụng ít nguyên vật liệu thô hơn.
Sau đây là cuộc trao đổi của ISO Focus+ với ông Gary
Brewster - Giám đốc phát triển bền vững của Coca-Cola Hellenic về lợi ích của
việc áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cũng như hệ thống quản lý
tích hợp
ISO Focus+: ISO 14001 đã mang lại những khác
biệt gì cho công ty?
Gary Brewster: Trước khi áp dụng ISO 14001, cách
tiếp cận với môi trường của chúng tôi rất lộn xộn và không kế hoạch. Đối với
chúng tôi, bước đầu triển khai ISO 14001 là cả một cuộc cách mạng. Chúng tôi
phải thực thi một hệ thống có cấu trúc, xác định ra các trách nhiệm về môi
trường liên quan tới phương pháp tiếp cận tập trung, các quy tắc bắt buộc, xem
xét của lãnh đạo, đào tạo và các yêu cầu cần đáp ứng. Một lợi ích khác là sự
tin tưởng của các đối tác - những người hiểu giá trị của ISO 14001 - tăng cao.
ISO Focus+: Theo ông, đâu là những lợi ích
chính sau khi triển khai áp dụng từ năm 2002?
Gary Brewster: Để đánh giá lợi ích, chúng tôi đo
lường các thông số môi trường chính liên quan tới sử dụng nước và năng lượng.
Cụ thể, năm 2004, chúng tôi dùng 3,21 lít nước để sản xuất 1 lít đồ uống nhưng
đến năm 2011 con số đó giảm xuống là 2.2 lít. Nghĩa là, hiệu quả sử dụng nước
đã đạt 31%. Về sử dụng năng lượng, năm 2004, chung tôi cần đến 0.72 Megajun
(MJ) để sản xuất 1 lít đồ uống thì đến năm 2011 chúng tôi chỉ cần 0.56 MJ -
giảm 22%.
ISO Focus+: Việc chứng nhận hệ thống quản lý
thì như thế nào thưa ông?
Gary Brewster: Việc chứng nhận đang được thực hiện
ở 75 nhà máy đóng chai trên phạm vi 28 quốc gia. Mục tiêu của chúng tôi là đến
cuối năm 2012, 100% nhà máy được chứng nhận ISO 9001, ISO 14001, OHSAS 18001,
ISO 22000 và FSSC 22000 theo ISO 22000, Chứng nhận An toàn Thực phẩm.
ISO Focus+: Ông có tích hợp tất cả các hệ thống
quản lý theo tiêu chuẩn đó vào cùng một hệ thống?
Gary Brewster: Có, tất cả các hệ thống quản lý
theo tiêu chuẩn đều được kết hợp với nhau thành một hệ thống tích hợp. Hệ thống
của chúng tôi có chung yêu cầu về trách nhiệm lãnh đạo, đào tạo, kiểm soát tài
liệu và đánh giá nội bộ. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu hợp tác với chuyên gia đánh
giá của bên thứ 3 để có thể hỗ trợ tiến hành đánh giá chứng nhận hệ thống tích
hợp của chúng tôi. Việc một đánh giá viên được đào tạo thông thạo về tất cả các
tiêu chuẩn là hoàn toàn không dễ kiếm. Vì vậy, chúng tôi mong sẽ sớm có tài
liệu hướng dẫn và hỗ trợ cụ thể cho hoạt động đánh giá hệ thống tích hợp.