Đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu trong trường đại học
Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu đang là trọng tâm của các chính sách kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam việc chuyển giao công nghệ tại các trường đại học và viện nghiên cứu thời gian qua đã có những kết quả rất đáng ghi nhận.
Cần đẩy mạnh hơn nữa thương mại hóa kết quả
nghiên cứu trong trường đại học
Tuy nhiên, xét về tổng thể mức đóng góp các
hoạt động KH&CN và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, viện
nghiên cứu ở Việt Nam đối với nhu cầu xã hội còn thấp, chưa tương xứng với tiềm
năng là đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Quá khiêm tốn
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra
giá trị to lớn của tri thức, tài sản trí tuệ và đã có một số nơi đã thực hiện
giao dịch liên quan đến nguồn lực này. Tuy nhiên, theo TS Phùng Minh Lai, Viện
trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, thực tế cho thấy số lượng
sáng chế, kết quả nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu được chuyển
giao cho cộng đồng doanh nghiệp áp dụng còn rất hạn chế, phần lớn mang tính tự
phát, chưa có tổ chức chuyển giao chuyên nghiệp nên chưa phát huy được tiềm
năng và hiệu quả sử dụng.
Trong khi đó, PGS Tạ Cao Minh, Trường ĐH Bách
khoa Hà Nội cũng cho biết thêm, một nghiên cứu có bài bản trong trường đại học,
được thử nghiệm và hiệu chỉnh nhiều lần trong môi trường công nghiệp sẽ cho ra
những sản phẩm có thể thương mại hóa. Việc phối hợp nghiên cứu và cao hơn nữa
là thành lập các phòng thí nghiệm nghiên cứu chung là một trong những biện pháp
hiệu quả để khai thác và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, từ đó có thể
ươm tạo công nghệ mới và doanh nghiệp mới…
Còn theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn
Tùng thì thời gian qua hoạt động khai thác, chuyển giao các kết quả nghiên cứu
trong đó có sáng chế từ các trường đại học, viện nghiên cứu tới cộng đồng doanh
nghiệp ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Một số trường đại học lớn ở Việt Nam cũng
đã thành lập một số đơn vị có chức năng hỗ trợ chuyển giao công nghệ nhưng chưa
thực sự hiệu quả… Trong bối cảnh hiện nay, việc hình thành các tổ chức đầu mối,
đơn vị trung gian, đào tạo cán bộ về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ,
giúp cán bộ nghiên cứu bảo hộ sáng chế; đồng thời hỗ trợ thương mại hóa các
sáng chế, kết quả nghiên cứu là việc làm cần thiết, phải được triển khai mạnh mẽ
và có tổ chức thực hiện trong các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, để đẩy mạnh
hoạt động khai thác chuyển giao các kết quả nghiên cứu trong đó có sáng chế, cần
đẩy mạnh khai thác các hoạt động sáng chế, kết nối các nhà sáng chế, công nghệ
với cộng đồng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc
Ths.Phan Quốc Nguyên-Trường Đại học Công nghệ,
ĐHQGHN cho biết, mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
tại các trường đại học là rất quan trọng, tác động lớn đến việc phát triển kinh
tế vì đầu tư nước ngoài vào công nghệ ngày càng ít. Chính vì vậy việc sử dụng,
bảo hộ và thương mại hóa tài sản trí tuệ và tuyên truyền kiến thức về SHTT
không chỉ là mối quan tâm của Nhà nước, trường Đại học mà còn là mối quan tâm của
doanh nghiệp.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu quản lý
Trung ương – Bộ Kế hoạch đầu tư, có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ từ năm
1970, 30% từ 1980 và 50% từ 1990. Do sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam
không đáp ứng chất lượng và không phong phú về mẫu mã dẫn đến sức cạnh tranh thấp.
Theo ông Nguyên, chuyển giao công nghệ Đại học – Doanh nghiệp là rất cần thiết.
Thực tế hiện nay, cũng gặp phải những thách
thức, khó khăn xuất phất từ phía trường Đại học như: Công nghệ thường ở dạng
phôi thai, dừng ở quy mô phòng thí nghiệm nên rủi ro cao khi đầu tư và phát triển.
Công nghệ chưa gắn với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng thị trường do thiếu gắn kết với
doanh nghiệp. Phần lớn các trung tâm và bộ phận thương mại hóa công nghệ tại
trường đại học không có tư cách pháp nhân nên khó vay vốn ngân hàng.
Nhu cầu và khả năng liên kết với doanh nghiệp
chưa cao do thiếu động lực và thiếu cơ chế gắn kết, sản phẩm KHCN ít và kém chất
lượng, năng lực và trang thiết bị còn hạn chế, thời gian nghiên cứu dài trong
khi nhu cầu doanh nghiệp cần sớm có công nghệ,… Thêm vào đó, bản thân các trường
đại học cũng thiếu cơ quan chuyên trách hiểu biết và gắn kết với doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp
vừa và nhỏ-Bộ KH&ĐT, phần lớn DNVVN (trên 90% có vốn dưới 10 tỷ đồng), quy
mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, tài chính hạn chế, khó có điều kiện liên kết.
Doanh nghiệp chưa có chiến lược đổi mới công nghệ, thiếu sức ép đổi mới công
nghệ, công nghệ chủ yếu nhập. Doanh nghiệp chưa quan tâm đến cơ chế đầu tư tài
chính cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, thẩm định giá công nghệ,…
Th.s Phan Quốc Nguyên cho rằng, có nhiều giải pháp cần
được thực hiện nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ giữa trường đại học và
doanh nghiệp. Đó là hỗ trợ thành lập các cơ quan trung gian thực hiện dịch vụ
chuyển giao công nghệ, đầu tư trang thiết bị nhằm tăng cường nghiên cứu khoa học
và đổi mới sáng tạo, tổ chức thêm các chợ công nghệ và có chương trình hỗ trợ đổi
mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, cần thúc đẩy thành lập doanh nghiệp
khoa học công nghệ và vườn ươm công nghệ, có chương trình hỗ trợ thương mại hóa
công nghệ, có chính sách ưu đãi về thuế nhằm hỗ trợ chuyển giao công nghệ giữa
trường đại học và doanh nghiệp…