SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thích ứng với biến đổi khí hậu: Nhìn từ góc độ cộng đồng

[11/11/2013 11:58]

Việt Nam là một trong 15 quốc gia được coi là đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Trước tình hình đó, Việt Nam đã nghiên cứu và tham gia các hoạt động khác nhau để đối phó với xu thế này.

Chính Phủ Việt Nam đã sớm phê chuẩn công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Cùng với các chương trình quốc gia kể trên, cũng có nhiều nghiên cứu liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó đối với đời sống cộng đồng. Trong đó, nhóm tác giả gồm Nguyễn Công Thảo và Phạm Thị Cẩm Vân (Viện Dân tộc học và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tiến hành nghiên cứu “Thích ứng với biến đổi khí hậu: Nhìn từ góc độ cộng đồng” tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu: Xác định những xu thế thay đổi của thời tiết qua kết quả quan trắc của các nhà khoa học và cảm nhận của người dân địa phương; Tìm hiểu ảnh hưởng của quá trình này đến đời sống của người dân; Xem xét các phương thức ứng phó với biến đổi khí hậu mà người dân tại điểm nghiên cứu đã tạo dựng. Với phương pháp điều tra hộ gia đình và thảo luận nhóm (gồm 150 phiếu hỏi được thực hiện ngẫu nhiên tại các hộ gia đình và 30 cuộc thảo luận với đại diện là các nhóm kinh tế xã hội khác nhau tại địa phương và kết hợp tham vấn 15 chuyên gia đại diện từ cấp trung ương tới cấp xã), nghiên cứu đã phát hiện ra một số vấn đề chính sau:

- Có sự gian tăng về lượng mưa và thời gian mưa;

- Thời điểm mùa mưa đến khó đoán định hơn;

- Những hộ nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi thời tiết tiêu cực. Một trong những biện pháp thích ứng nhất của người dân là di cư tìm việc làm, đặc biệt ở những hộ thiếu đất sản xuất. Trong khi đó, quá trình di cư ở các hộ khá giả thường vì mục đích tìm môi trường giáo dục tốt hơn. Điều đáng quan tâm là quá trình di cư chủ yếu mang tính tự phát, thông qua các mạng lưới xã hội, quan hệ gia đình, láng giềng;

- Nghiên cứu cũng ghi nhận người dân đã và đang nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền trong việc giảm thiểu tác hại của diễn biến thời tiết tiêu cực. Tuy nhiên do hạn chế về nguồn lực, những hỗ trợ này chỉ mang tính ngắn hạn và bị động./.

Theo Tạp chí Nghiên cứu Địa lý Nhân văn số 01/2013
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ