Ấu trùng tôm, tôm con ở vùng biển ven bờ phía Nam, Việt Nam
Ấu trùng tôm, tôm con là nhóm đối tượng quan trọng trong nghiên cứu khoa học cơ bản, đã được nhiều nước trên thế giới đưa vào chương trình nghiên cứu thường niên nhằm cung cấp thông tin cơ bản cho công tác quản lý nghề cá.
Ở Việt Nam, một
số nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh sản và phân bố của một số loài tôm đã
được thực hiện nhưng chủ yếu tập trung ở giai đoạn tôm trưởng thành, các nghiên
cứu ở giai đoạn phát triển sớm hầu như chưa được thực hiện. Nhằm cung cấp những
thông tin đầy đủ hơn về thành phần, phân bố và nguồn lợi tôm ở các giai đoạn
phát triển sớm, giúp cho việc xây dựng các định hướng bảo vệ nguồn lợi ở vùng
nước ven biển, tác giả Từ Hoàng Nhân (Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng) đã thực
hiện nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các biện pháp bảo vệ trứng cá,
cá con và ấu trùng tôm, tôm con ở vùng ven bờ Đông, Tây Nam bộ”.
Kết quả nghiên cứu
cho thấy, khu vực có mật độ phân bố cao tập trung ở khu vực ven biển từ Bình Thuận
đến Vũng Tàu, ven biển Bến Tre, Bạc Liêu, xung quanh hòn Trứng Lớn, hòn Trứng
Nhỏ, quanh quần đảo Nam Du, hòn Rái, quần đảo Bà Lụa và Phú Quốc. Trong đó, đã xác
định được 46 loài tôm nằm trong 36 giống thuộc 28 họ khác nhau, trong đó có 4 họ
chiếm ưu thế là họ tôm He (Penaeidae), họ tôm Moi (Sergestidae), họ tôm Gõ Mõ
(Alpheidae) và họ tôm Kính (Pasiphaeidae).
Trong mùa gió
Đông bắc, khu vực sinh sản của tôm chủ yếu ở vùng ven biển Bình Thuận, Vũng
Tàu, cửa sông Hậu, phía Tây hòn Trứng Lớn, mũi Cà Mau, hòn Chuối, quanh quần đảo
Nam Du và hòn Bà Lụa. Mật độ cao nhất có nơi đạt tới 19.594 cá thể/1000m3
nước.
Trong mùa gió
Tây Nam, khu vực sinh sản của tôm tập trung ở ven bờ Vũng Tàu, Bến Tre, của
sông Hậu, quanh đảo Hòn Trứng Lớn, hòn Rái và phái đông quần đảo Thổ Chu. Mật độ
cao nhất đạt tới 21.596 cá thể/1000m3 nước.