Búp bê chứa phthalate có thể gây rối loạn nội tiết ở trẻ
Thông tin nhà chức trách Mỹ đã phát hiện và thu giữ 200.000 đồ chơi trẻ em Trung Quốc có chất cấm khiến không ít các bà mẹ ở Việt Nam dè dặt trong việc lựa chọn đồ chơi cho con.
Theo đó, số lượng đồ chơi trên chứa hàm lượng cao chất
phthalate. Đây là loại chất hóa học làm cho nguyên liệu trở nên mềm và dẻo hơn.
Hiện Chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm dùng chất này trong sản xuất đồ chơi trẻ em.
Trước thông tin này, phóng viên Chất lượng Việt Nam
đã ghi nhận một số ý kiến của các bậc phụ huynh về việc lựa chọn
đồ chơi cho con, nhất là các loại búp bê có xuất xứ từ Trung Quốc.
Chị Kiều Thị Thanh Nhàn, đang chọn đồ chơi cho con trên
phố Lương Văn Can (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng có nghe qua
về việc một số loại đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc có
nhiễm chất cấm, ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trên các
phương tiện thông tin, chúng tôi vẫn chưa thấy có lời cảnh báo nào từ
phía cơ quan chức năng Việt Nam về việc này”.
“Còn việc chọn đồ chơi an toàn, tôi nghĩ là hoàn
toàn do cảm tính, chứ người trần mắt thịt như chúng tôi làm sao biết
được loại nào có chất độc, loại nào không. Mà đồ chơi hiện nay chủ
yếu lại là hàng Trung Quốc, theo tôi cơ quan chức năng cần phải vào
cuộc kiểm tra để có định hướng và cảnh báo đối với người dân”, chị
Nhàn chia sẻ.
Cùng quan điểm với chị Nhàn, chị Lê Thị Mậu Thìn
(Đống Đa, Hà Nội) khẳng định: “Tôi khẳng định, đồ chơi bằng nhựa
xuất xứ từ Trung Quốc kiểu gì cũng có chất hoá học, nhưng quan
trọng là có ít hay có nhiều mà thôi”.
Theo kinh nghiệm của chị Thìn, khi mua đồ chơi về tốt
nhất phụ huynh nên rửa sạch, phơi nắng để bay bới chất độc. “Bây giờ
bảo trẻ con không có đồ chơi thì chẳng đứa nào nó chịu cả. Thôi thì
đành phải mua về vệ sinh kỹ rồi cho lũ trẻ nó chơi vậy”, chị Thìn
phân trần.
Nói về các loại chất độc có trong đồ chơi, các nhà
khoa học Việt Nam cho biết, trong những đồ chơi bằng nhựa, nhất là
những đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc hầu hết là còn tồn dư các chất
độc hại, trong đó nhiều nhất là phthalate. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay
vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào quy định về mức độc hại của chất
này.
Giáo sư Trần Hồng Côn, giảng viên hóa học, Đại học Khoa học
Tự nhiên Hà Nội cho biết, phthalates là chất được sử dụng rộng rãi nhằm làm
dẻo, mềm các vật liệu, đồ dung. Chính vì mục đích là chất làm mềm nhựa chứ
không phải tạo ra liên kết chặt chẽ nên nó dễ phôi ra, để sản phẩm ở nhiệt độ
càng cao thì khả năng phôi ra càng lớn.
“Hiện ở Việt Nam chưa có quy định ngưỡng cho
phép của hợp chất này trong đồ chơi và chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về ảnh
hưởng của sự thôi nhiễm chất này qua đồ chơi đối với sức khỏe. Vì thế để nói
ảnh hưởng của nó như thế nào rất khó. Theo nghiên cứu của nước ngoài, nó có thể
gây mệt mỏi, nhức đầu, choáng…”, GS. Trần Hồng Côn nói.
Cũng liên quan đến chất phthalates, TS. Hoàng Thị Kim
Dung, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ hóa học (TP.HCM), Viện Khoa học Công nghệ
Việt Nam nhấn mạnh: “Phthalate có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ
thống hormon của cơ thể. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị
ứng là rất cao. Một số hóa chất ảnh hưởng đến nội tiết đã được xác định, trong
đó có chất hóa dẻo dibutylphtalate (DBP)”.
Tại nhiều nước và khu vực trên thế giới họ đã nghiên cứu
và đặt ra ngưỡng an toàn của phthalates trong sản phẩm đồ chơi trẻ em là không
quá 1.000mg/kg. Giới hạn này áp dụng với các chất như: di (2-ethylhexyl)
phthalate (DEHP), dibutyl phthalate (DBP) và benzyl butyl phthalate (BBP),
diisononyl phthalate (DINP), diisodecyl phthalate (DIDP) và di-n-octyl
phthalate (DNOP).
Đồng thời, các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra việc
tiếp xúc với các hóa chất trên có thể dẫn đến trục trặc nội tiết, gây ra những
vấn đề bất thường tại cơ quan sinh dục, thậm chí gây dị tật bẩm sinh cho thai
nhi. Tác dụng này thể hiện rõ rệt nhất ở bé trai.