Giá trị hấp thụ cacbon của rừng phòng hộ chắn sóng tại Kiên Giang và Cà Mau
Trong những năm qua, các nghiên cứu về vai trò của rừng trong việc bảo vệ môi trường, cung cấp các giá trị sử dụng trực tiếp như gỗ, củi và các lâm sản ngoài gỗ,… đã và đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, các
nghiên cứu về khả năng hấp thụ Cacbon của rừng trồng một số loài cây như Thông,
Bạch đàn, Keo,…và một số trạng thái rừng tự nhiên đã được nghiên cứu và có thể
áp dụng nhằm đạt mục tiêu bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho người dân tham
gia vào công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên một giá trị vô cùng quan trọng khác của
rừng ngặp mặn là khả năng tích luỹ cacbon của rừng ngặp mặn vẫn chưa được
nghiên cứu ở Việt Nam.
Nhằm tập trung
xác đinh sinh khối, trữ lượng và giá trị hấp thụ cacbon của một số loại rừng
phòng hộ chắn sóng ở 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, các tác giả là Vũ Tấn Phương
(Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) và Nguyễn Viết Xuân (Viện Nghiên cứu Sinh
Thái và Môi tường Rừng) đã thực hiện nghiên cứu về “Giá trị hấp thụ cacbon của
rừng phòng hộ chắn sóng tại Kiên Giang
và Cà Mau”.
Cà Mau và Kiên
Giang là 2 tỉnh có diện tích rừng ngặp mặn khá lớn khoảng 52.923 ha ở Cà Mau và
3.874 ha ở Kiên Giang. Nghiên cứu được tiến hành trên đối tượng rừng phòng hộ
chắn sóng (hay rừng ngặp mặn phòng hộ chắn sóng). Tại An Minh và An Biên tỉnh
Kiên Giang, nghiên cứu thực hiện ở rừng trồng mắm đen và tại huyện Ngọc Hiển,
Phú Tân tỉnh Cà Mau, nghiên cứu được thực hiện với đối tượng rừng trồng đước thuần
loài và rừng mắm trắng tự nhiên.
Qua nghiên cứu,
nhóm tác giả đã đưa ra kết luận và khuyến nghị sau:
- Trữ lượng
cacbon ở các tuổi khác nhau của rừng trồng đước, mắm đen và mắm trắng tự nhiên
có sự khác biệt đáng kể, trữ lượng cacbon trung bình của 3 loại rừng này lần lượt
là 136,6 tấn CO2/ha, 155,6 tấn CO2/ha và 198,7 tấn CO2/ha.
- Giá trị hấp thụ
cacbon của rừng phụ thuộc vào sinh trưởng và trữ lượng cacbon của rừng. Với rừng
trồng đước, giá trị hấp thụ cacbon tăng mạnh từ tuổi 3 đến tuổi 16. Ở tuổi 16,
giá trị hấp thụ cacbon của rừng là khoảng 54 triệu đồng/ha (3,3 triệu đồng/ha/năm).
Với rừng trồng mắm đen, giá trị hấp thụ cacbon của rừng 10 tuổi là 100 triệu đồng/ha
(10 triệu đồng/ha/năm) và giá trị hấp thụ cacbon của rừng mắm trắng tự nhiên là
32,7 triệu đồng/ha.
- Kết quả về
sinh khối, trữ lượng cacbon và giá trị hấp thụ cacbon nên được xem xét trong
quá trình hoạch định chính sách về chi trả dịch vụ môi trường và các cơ chế về
REDD nhằm góp phần quản lý rừng bền vững và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.