Định loại nấm men phân lập tại Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai
Nghiên cứu do nhóm tác giả Ngô Đức Duy, Hoàng Quốc Khánh (Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Nguyễn Hữu Hùng (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), và Nguyễn Quang Thạch (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Nghiên cứu đã
phân lập và định loại được 09 chủng nấm men tự nhiên (H5, H7, H9, L5, L10, L24,
L29, P2 và P5) ở hoa, lá và phân côn trùng tại Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, tỉnh
Đồng Nai dựa vào các đặc điểm hình thái, sinh lý, sinh hóa và trình tự vùng bảo
tồn Internal Transcribed Spacer (IST). Đã phân lập được 03 chủng (H5, H7 và H9)
từ hoa, 04 chủng (L5, L10, L24 và L29) từ lá cây và 02 chủng (P2 và P5) từ phân
côn trùng.
Kết quả nghiên cứu
cho thấy, định loại theo đặc điểm hình thái, sinh lý và sinh hóa cho thấy chủng
H5, H9, L5 và L10 thuộc chi Candida, chủng H7 thuộc chi Sporisorium, chủng L24
thuộc chi Ustulago, chủng L29 thuộc chi Cryptococcus, chủng P2 thuộc chi Sporidiobolus
và chủng P5 thuộc chi Williopsis. Giải trình tự vùng bảo tồn ITS của các chủng
trên cho thấy mức độ tương đồng giữa H5 và Candida
quercitusa là 94%, H9 và Candida
quercitrusa là 94%, L5 và Candida diddensiae
là 89%, L10 và Candida naeodendra là
91%, L24 và Ustulago trichophora là
94%, L29 và Cryptococcus sp.CBS 8368
là 94%, P2 và Sporidiobolus ruineniae
là 99% và giữa P5 và Williopsis là
94%.
Nghiên cứu này
đã định loại được ở cấp độ chủng các chủng nấm men được phân lập tại Vườn Quốc gia
Nam Cát Tiên. Tuy nhiên cần phải so sánh các chủng trên với các chủng được phân
lập tại các vùng lân cận nhằm hiểu được sự phân bố và vai trò của chúng trong tự
nhiên. Ngoài ra, tính chất sinh học bao gồm cả sinh học phân tử của chúng cũng
cần được nghiên cứu thêm nhằm xác định cụ thể chủng đặc hữu Việt Nam và từng bước
có những ứng dụng cụ thể. Ví dụ, chủng L24 và P2 tạo khuẩn lạc có sắc tố nên
chúng có thể được ứng dụng để chiết tách màu sinh học hoặc chủng P5 gần gũi với
chủng Williopsis saturnus nên chúng
có khả năng kiểm soát nấm men và nấm mốc gây hư hỏng sữa chua (Shao Quan liu et
al., 2010). Cuối cùng, nghiên cứu này đã đóng góp các chủng men mới vào kho nấm
men làm cho phong phú sự đa dạng sinh học.