SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

[25/11/2013 21:03]

Xác định ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra khả năng cạnh tranh cho hàng nông - thủy sản, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung nghiên cứu nhiều công trình, dự án và chuyển giao KHCN cho bà con nông dân. Qua ứng dụng, các mô hình sản xuất đã phát huy hiệu quả, không chỉ giúp bà con nông dân hình thành nên những mô hình bền vững cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh.

Nông dân huyện Phước Long phun xịt thuốc trừ rầy trên cánh đồng áp dụng quy trình “3 giảm - 3 tăng”. Ảnh: L.H

ĐƯA KHCN VÀO ĐỒNG RUỘNG

Mạnh dạn ứng dụng KHCN vào sản xuất đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của bà con nông dân. Đến nay, đã có hơn 95% nông dân trong tỉnh sử dụng giống lúa chất lượng cao và các giống lúa được xem là đặc sản của địa phương như: Tài nguyên, Một bụi đỏ. Theo đó, xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất theo quy trình “3 giảm - 3 tăng”, IPM và tuân thủ lịch thời vụ cùng các quy định của ngành Nông nghiệp khuyến cáo như: sử dụng giống lúa cấp xác nhận, vụ xuống giống né rầy, bón phân theo bảng so màu lá lúa, phun xịt thuốc đúng kỹ thuật...

Nông dân Bùi Văn Bình (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) cho biết: “Trước đây muốn vận động nông dân áp dụng các kỹ thuật mới này vào đồng ruộng khó lắm. Vì nông dân là người trực tiếp ra đồng nên việc sử dụng giống gì, phân gì, thuốc gì ai cũng biết. Tuy nhiên, đó chỉ là kinh nghiệm cá nhân. Qua thực tế và thấy được hiệu quả của việc ứng dụng KHCN vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng và làm giảm giá thành, nên nông dân bây giờ ai cũng hăng hái làm theo”. Nếu như năm 2008 diện tích áp dụng quy trình “3 giảm - 3 tăng”, IPM chỉ có khoảng 77.000ha, thì đến nay đã vượt hơn 140.000ha. Đồng thời, khuyến khích nông dân sản xuất lúa theo hướng VietGap. Hay trong phát triển chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã thực hiện nạc hóa đàn heo chiếm gần 90% tổng đàn và vận động các doanh nghiệp thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín. Các giống gia cầm hiện nay chủ yếu là giống chất lượng cao như: gà Lương phượng, vịt siêu thịt, vịt Anh đào...; hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ mà tập trung nuôi theo quy trình an toàn sinh học.

Riêng nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều thành tựu KHCN được ứng dụng vào sản xuất và nhiều công trình nghiên cứu đã thành công giúp nông dân chủ động về con giống như: quy trình sản xuất cá thác lác cườm, tôm càng xanh, nghêu, cua... nhất là chuyển giao và phát triển mô hình nuôi tôm sạch. Hiện tỉnh đang thực hiện mô hình nuôi thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng bền vững theo hướng VietGAP ở huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu.

CHỌN KHCN LÀM KHÂU ĐỘT PHÁ

Ông Võ Đăng Ký, Phó Giám đốc Trung tâm thực hiện và chuyển giao KHCN huyện Hồng Dân, cho biết: “Thực tiễn đã chứng minh vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng KHCN vào sản xuất. Thời gian qua, huyện Hồng Dân rất quan tâm đến công tác này và đã đạt được nhiều thành tựu. Vì vậy, huyện không ngừng liên kết với các viện, trường thực hiện nhiều đề tài, dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp và chọn KHCN là khâu đột phá để tăng năng suất, chất lượng cho hàng nông - thủy sản”.

Với vai trò không thể thiếu của KHCN để tạo ra hàng hóa cạnh tranh và cho giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, cùng với chuyển giao, khuyến khích nông dân ứng dụng những mô hình sản xuất mới, ngành Nông nghiệp còn tập trung nghiên cứu cải tiến, bổ sung hoàn thiện các mô hình sản xuất như: cải tiến mô hình tôm sú - lúa có sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào mô hình nuôi tôm kết hợp, nghiên cứu cải tiến mô hình chuyển đổi ngành nghề khai thác cho phương tiện đánh bắt nhỏ... Ngoài ra, còn triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học khác để giúp nông dân tăng thu nhập và mang lại hiệu quả kinh tế cao như đề tài “Hoàn thiện quy trình sản xuất nghêu giống nhân tạo”, “Xây dựng mô hình nuôi giống gà Ai Cập chuyên trứng theo phương thức thả vườn”, “Xây dựng mô hình trồng khổ qua, dưa leo, đậu bắp trái vụ theo hướng GAP”, “Giải pháp nâng cao hiệu quả của mô hình tôm - cua - cá”, “Cải tiến mô hình tôm sú - lúa có sử dụng chế phẩm sinh học đạt hiệu quả kinh tế cao ở vùng chuyển đổi sản xuất của tỉnh Bạc Liêu”...

Bên cạnh những kết quả do KHCN mang lại cho sản xuất, việc ứng dụng KHCN trong thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn như: hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất còn chưa phát triển đồng bộ nên chưa phát huy hết hiệu quả từ các mô hình, dự án; đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, chưa thể khuyến khích nông dân bám trụ với mô hình hay đầu tư theo chiều sâu; vai trò của doanh nghiệp và mối liên kết “bốn nhà” chưa bền vững; vốn đầu tư cho KHCN còn thiếu và chưa kịp thời... Do vậy, việc tập trung giải quyết những bất cập này cũng là giải pháp giúp KHCN phát huy hiệu quả và khuyến khích nông dân ứng dụng ngày càng nhiều những thành tựu KHCN vào đồng ruộng.

www.baobaclieu.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ