Đánh giá đạm trong hệ thống xử lý nước thải ao nuôi cá tra thâm canh
Trong những năm gần đây, cá Tra, Basa là những loài thủy sản chủ lực được nuôi khá phổ biến ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bên cạnh những lợi ích kinh tế thì lượng chất thải chưa qua xử lý từ việc nuôi cá được thải ra môi trường như thức ăn dư thừa, chất thải dạng phân và chất bài tiết bị tích tụ lại trong nước và nền đáy đã tác động rất lớn đến môi trường. Sử dụng đất ngập nước (ĐNN) để xử lý nước thải ao nuôi cá đã được nghiên cứu nhiều ở ĐBSCL và có kết quả khả thi trong xử lý đạm.
Ảnh minh họa (Nguồn: livecantho.com)
Nghiên cứu “Đánh giá đạm trong hệ thống xử lý nước thải ao
nuôi cá tra thâm canh” do Lâm Thị Mỹ Nhiên, Nguyễn Hồng Khoa, Ngô Thụy Diễm
Trang - Trường Đại học Cần Thơ và Hans Bix - Bộ môn Sinh học, khoa Khoa học,
Đại học Aarhus – Đan Mạch thực hiện, được đăng trên Tạp chí Khoa học, Đại học
Cần Thơ số 25 (2013). Nghiên cứu nhằm tìm hiểu diễn biến nồng độ các dạng đạm trong
xử lý nước bể nuôi cá Tra (Pangasianodon
hypophthalmus) thâm canh tuần hoàn kín theo thời gian trên hai loại hình đất
ngập nước (ĐNN) chảy ngầm ngang và chảy ngầm đứng.
Hệ thống xử lý gồm bể cá Tra, 02 bể ĐNN và bể thu gom có
gắn máy bơm chìm, phao nổi để bơm nước tuần hoàn lại bể cá. Thực vật được trồng
trong hệ thống ĐNN là Bồn bồn (Typha
orientalis) và hệ thống đối chứng không trồng cây. Nước đầu vào (nước từ bể
cá) và nước đầu ra của hệ thống xử lý được thu trong 15 tuần (1 tuần/1 lần) để
theo dõi diễn biến nồng độ NO2-N, NO3-N,
NH4-N, và TKN.
Kết quả cho thấy hệ thống ĐNN chảy ngầm đứng giúp cải thiện điều kiện oxy
trong nước bể nuôi cá, tuy nhiên nồng độ NO2-N và NO3-N
có xu hướng tăng dần theo thời gian, và ở cuối thí nghiệm đều nằm trong ngưỡng
gây hại cho cá. Riêng nồng độ NO2-N và NO3-N
ít biến động theo thời gian trong hệ thống ĐNN chảy ngầm ngang, có xu hướng
tích lũy NH4-N và TKN theo thời gian. Nồng độ NH4-N và
TKN đầu ra của hệ thống chảy ngầm theo phương ngang có trồng cây luôn duy trì ở
mức thấp hơn các hệ thống còn lại. Nồng độ NH3 trong các hệ thống
không vượt ngưỡng cho phép yêu cầu chất lượng nước nuôi cá Tra. Đặc biệt trong suốt quá trình nuôi không cần thay nước mới, nhưng
cá vẫn sinh trưởng tốt. Do đó việc sử
dụng hệ thống đất ngập nước kiến tạo giúp tăng hiệu quả sử dụng nước, không xả
thải chất ô nhiễm, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.
Hệ thống ĐNN ngầm ngang
có thể loại bỏ đạm trong nước thải ao nuôi cá Tra thâm canh. Để phát huy tối đa
hiệu suất xử lý đạm của nước thải ao nuôi cá Tra nên thiết kế hệ thống đa cấp,
kết hợp 2 loại hệ thống ngầm ngang và ngầm dọc.
TC Khoa học, Đại học Cần Thơ, Phần A, Số 25(2013), trang 44-51