Ảnh hưởng của độ mặn lên sự điều hòa áp suất thẩm thấu và tăng trưởng của cá rô đồng
Cá rô đồng (Anabas testudineus) là loài cá bản địa khá phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long, thịt cá béo thơm ngon, có giá trị cao, được tiêu thụ khá mạnh ở nông thôn và thành phố. Cá rô đồng rất khỏe, có khả năng chịu đựng được điều kiện môi trường khắc nghiệt: thiếu oxy, pH thấp do cá có cơ quan hô hấp phụ trên mang, có thể sử dụng oxy từ khí trời.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nhằm góp phần đa
dạng hóa đối tượng nuôi cho vùng nước lợ và mở rộng vùng nuôi cho cá rô đồng.
Cung cấp những dẫn liệu khoa học cơ bản về khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu,
sự trao đổi ion bên trong cơ thể cũng như sự tăng trưởng của cá rô đồng khi
thay đổi độ mặn. Nghiên cứu “Ảnh hưởng của độ mặn khác nhau lên sự điều
hòa áp suất thẩm thấu và tăng trưởng của cá rô đồng” được thực hiện bởi
Đỗ Thị Thanh Hương, Trần Viết Toàn và Nguyễn Thị Kim Hà – Trường Đại học Cần
Thơ đã tìm ra giá trị độ mặn thích hợp cho sinh trưởng của cá rô đồng làm cơ sở
phục vụ cho nghề nuôi loài cá này.
Đề tài nghiên cứu trên cá rô đồng cỡ từ 5-7g để xác định ngưỡng độ mặn bằng cách tăng dần độ mặn mỗi lần 1‰ và sau 30 phút tăng 1 lần. Tìm hiểu khả
năng điều hòa áp suất thẩm thấu và ion của cá rô trong nước ngọt có độ mặn ở
các mức độ gồm 3, 6, 9, 12, 15, 18, 21, 24, 27, 30, 33, 36, 39‰; xác định sự
tăng trưởng và tỉ lệ sống của cá sau 90 ngày nuôi cá ở các mức độ 0, 3, 9, 12,
15‰.
Kết quả cho thấy cá rô đồng có ngưỡng chịu đựng ở độ mặn 30‰. Áp
suất thẩm thấu của cá tăng dần theo nồng độ mặn trong môi trường nước. Điểm
đẳng áp giữa cơ thể cá với môi trường nước tại nồng độ 12‰. Nồng độ ion Na+
trong máu cá gia tăng theo độ mặn và nồng độ ion K+ ổn định hơn Na+.
Ngoài ra, kết quả thí nghiệm còn cho thấy nếu nuôi cá rô đồng ở điều kiện môi
trường nước có độ mặn ở mức 0‰ và 3‰ cá sẽ tăng trưởng tốt nhất về chiều
dài và khối lượng. Khả năng chịu đựng của cá rô đồng khi thay đổi độ mặn đột
ngột từ nước ngọt sang nước độ mặn 10, 20‰ và ngược lại, tương ứng trong khoảng
thời gian 1 và 3 giờ.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học Trường
Đại học Cần Thơ, số 26(2013).
TC Khoa học, Đại học Cần Thơ, Phần B, Số 26 (2013), trang 55-63