Lần đầu tiên, nhà khoa học Việt Nam được hưởng phụ cấp
Nhà khoa học giỏi được hưởng phụ cấp ưu đãi tối đa bằng 50% lương theo hạng, bậc hiện hưởng.
Phùng Hồ Hải - Nhà Toán học trẻ nổi tiếng của Việt Nam
Trong nhiều lần trao đổi với báo chí,
Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân cho biết, rất nhiều ngành như hải quan, kiểm lâm...hiện
nay đều có phụ cấp, nhưng nhà khoa học lại chưa được như vậy.
Vì thế, trong dự thảo Nghị định hướng dẫn
Luật KHCN sửa đổi có hiệu lực từ 2014, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa
học giỏi của Việt Nam sẽ được hưởng phụ cấp.
Theo đó, người được bổ nhiệm chức danh
nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ trong các đơn vị sự nghiệp công lập có
hoạt động KHCN được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề tối đa bằng 50% tiền lương theo
hạng, bậc hiện hưởng.
Người được bổ nhiệm chức danh nghiên cứu
khoa học, chức danh công nghệ làm việc liên tục 5 năm trở lên trong các đơn vị
sự nghiệp công lập có hoạt động KHCN được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Chức danh nghiên cứu khoa học gồm: trợ
lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp.
Chức danh công nghệ gồm: kỹ thuật viên và tương đương, kỹ sư và tương đương, kỹ
sư chính và tương đương, kỹ sư cao cấp và tương đương.
Nếu có thành tích nghiên cứu xuất sắc,
những người làm nghiên cứu được xét đặc cách "thăng hạng" hoặc đặc cách
bổ nhiệm. Đặc biệt, nếu người nào là GS, PGS, TS hoặc đạt giải thưởng quốc gia,
quốc tế về KHCN sẽ được đặc cách bổ nhiệm không phụ thuộc năm công tác.
Chức danh Giáo sư hoặc TSKH, chức danh
công nghệ hạng 1 được kéo dài đến 10 năm công tác.
Cá nhân hoạt động KHCN được bổ nhiệm vào
chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ hạng I, hoặc được bổ nhiệm
chức danh GS trong các đơn vị sự nghiệp công lập được hỗ trợ kinh phí sử dụng
phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phóng thí nghiệm khác được dự toán
trong tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách.
Các nhà khoa học được đảm bảo các điều
kiện thuận lợi về phòng làm việc, trang thiết bị và vật tư, phòng thí
nghiệm...để phát huy năng lực; Được các Quỹ KHCN hỗ trợ kinh phí công bố kết
quả nghiên cứu trên các tạp chí uy tín quốc tế, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ
trong nước và nước ngoài; Được tạo điều kiện tiếp cận thông tin về KHCN tại các
thư viện, trung tâm thông tin tư liệu KHCN công lập; Được hỗ trợ kinh phí tham
gia hội thảo, hội nghị, triển lãm KHCN trong nước và quốc tế...