Từ xa xưa, xuất phát từ nhu cầu đếm, đo đạc và tính toán trong cuộc sống, loài người đã dần tìm ra những đơn vị đo. Ban đầu, những đơn vị đo chỉ được sử dụng ở một vùng nhỏ.
Trải qua quá trình trao đổi thương mại
và giao thoa văn hóa, các đơn vị đo ngày càng trở nên thống nhất hơn trên toàn
thế giới. Hầu hết, các đơn vị đo đều xuất phát từ cuộc sống và hiểu biết của
con người vào tự nhiên.
Ngày nay, hệ đo lường quốc tế SI được
sử dụng thông dụng ở hầu khắp các nơi trên thế giới, ngoại trừ một vài quốc gia
chỉ sử dụng nó một phần. Nhân loại thống nhất có bảy đơn vị đo lường cơ bản và
dùng nó để định nghĩa các đơn vị đo lường khác, đó là: kilôgam (viết tắt là
kg), mét (m), giây (s), ampe (A), kelvin (K), mol (mol) và candela (cd). Theo
thứ tự, những đơn vị này dùng để biểu thị: Khối lượng, chiều dài, thời gian, cường
độ dòng điện, nhiệt độ, số hạt trong cấu tạo nguyên tử và năng lượng ánh sáng.
Trong bảy kí hiệu viết tắt thì có hai
kí hiệu viết hoa, đó là viết tắt tên của hai nhà khoa học, do những đóng góp
của họ với sự phát triển của những đơn vị đo này. A-M Ampère (1775 - 1836) là
nhà vật lý, toán học và hóa học người Pháp đã tìm ra định luật trong vật lý
mang tên ông. William Thomson (1824 - 1907) là một nhà vật lý, toán học, nhà
phát minh người Ireland, Giáo sư Đại học Glasgow, người được Hoàng gia Anh
phong là Nam tước Kelvin (tên con sông chảy qua Trường Đại học Glasgow nơi ông
làm việc).
Trong bảy đơn vị đo thì kilôgam là đơn
vị duy nhất được định nghĩa không dựa vào những hiện tượng tự nhiên mà dựa vào
một vật mẫu làm chuẩn. Từ xa xưa, để đo hoặc so sánh khối lượng của các vật,
con người đã biết dùng đến cân thăng bằng. Đó là những cân gồm hai đĩa dùng để
so sánh khối lượng giữa những vật mẫu cho trước và những vật cần đo đặt ở hai
bên đĩa.
Từ cách đây gần 5.000 năm, người Babylon và Ai Cập cổ đại
đã biết dùng đến những loại cân này. Người Babylon đã sử dụng những mẫu để so
sánh trong cân thăng bằng là những chùm nhiều hòn đá nhẵn có khối lượng khác
nhau và được định trước khối lượng. Chúng được dùng thay đổi để so sánh khối
lượng nặng, nhẹ hơn của vật cần cân, giúp việc đo khối lượng được chính xác
hơn. Nguyên lý làm cân theo cách này ngày nay vẫn được sử dụng rộng rãi.
Trong các đơn vị đo khối lượng vẫn còn
được sử dụng ngày nay thì grain là đơn vị đo khối lượng nhỏ nhất được sử dụng ở
Mỹ và Anh. Nó xấp xỉ 0,0648 gam, là khối lượng trung bình của một hạt lúa mì và
được người Ai Cập cổ đại sử dụng từ xa xưa trong thời gian dài hàng nghìn năm.
Ban đầu, grain được dùng để đo khối lượng những vật quý, chẳng hạn như vàng.
Khi mua bán hay trao đổi, người ta sử dụng cân thăng bằng và những hạt lúa mì,
một loại ngũ cốc phổ biến của họ.