Vượt rào phát triển nhân lực KH&CN
KH&CN đóng góp không nhỏ trong sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thực tế nền kinh tế Việt Nam cơ bản mang dấu ấn kinh tế nông nghiệp đang dần chuyển sang công nghiệp. Vị trí của Việt Nam trong nền kinh tế tri thức toàn cầu còn thấp.
Lý do là chúng ta chưa có được nguồn
nhân lực đủ mạnh, có chất lượng và dồi dào. Hiện nay, cơ chế chính sách đôi khi
như là một rào cản chứ chưa phải là yếu tố giúp thúc đẩy động cơ làm việc, cống
hiến và gia nhập đội ngũ những người làm KH&CN. Vậy cần có chính sách nào
cho phát triển nguồn nhân lực KH&CN?
Vai trò yếu tố cá
nhân trong phát triển KH&CN
Hoạt động KH&CN đã gắn liền với
phát triển kinh tế xã hội, khẳng định được hiệu quả sản xuất, giúp phát triển
thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh
tế đất nước. TS. Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ
KH&CN nhận định, mọi công trình, kết quả KH&CN được áp dụng vào trong
thực tế sản xuất và đời sống đều xuất phát từ con người, cụ thể là các nhà khoa
học, các nhà kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu
gạo, cà phê đứng thứ hai, hạt tiêu và điều xuất khẩu đứng thứ nhất, cao su đứng
thứ tư trên thế giới. Nếu không có đóng góp của tri thức mới, công nghệ mới,
giống cây con mới để chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nâng cao năng
suất chất lượng sản phẩm thì không có vị trí như vậy. Điều này khẳng định sự
đóng góp về trí tuệ của con người Việt Nam trong đó có nhà khoa học, nhà quản
lý, kể cả những nhà nông là rất lớn.
Những nhà khoa học chân chính đóng góp
công sức của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống. Họ thường xuyên trăn trở
cùng với những công trình nghiên cứu, làm sao đưa và truyền tải những tri thức
đó thành những kết quả biến các giá trị vật chất trong cuộc sống thành những
giá trị cao hơn, những sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam có giá trị
hơn và ra thị trường quốc tế ngày càng nhiều hơn. Qua đó góp phần nâng cao đời
sống cho người dân Việt Nam,
tạo sự phồn vinh cho đất nước.
Theo đánh giá của GS. Dương Ngọc Hải -
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, những thành tựu KH&CN thời
gian qua cho phép chúng ta xây dựng, phát triển những ngành, những lĩnh vực
công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ khó. Để phát triển bất cứ ngành gì
trong đó có KH&CN, trước hết quan trọng nhất đó là vấn đề con người. Từ
những kinh nghiệm nghiên cứu, khi triển khai những vấn đề mới, khó, có tính
chất đột phá bao giờ cũng phải tìm nhà khoa học hàng đầu. Kinh nghiệm của các
nước Đông Âu cũng như phương Tây trước đây những phát triển xây dựng có tính
chất khởi đầu đó là con người, đội ngũ, năng lực của người làm khoa học.
Đồng quan điểm này, TS. Hồ Ngọc Luật khẳng
định, quan trọng là khuyến khích và phát triển được những nhân tố sáng tạo đó.
Vì thế trong triển khai thực hiện Nghị quyết 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Khóa 11, trên tinh thần thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN
Việt Nam đến năm 2020 và Luật KH&CN năm 2013 Bộ KH&CN triển khai một
loạt chính sách liên quan đến sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN. Trong đó
tập trung khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ trẻ có tài năng,
cũng như những nhà khoa học chủ trì thực hiện những công trình, đề tài dự án
đặc biệt của quốc gia.
Bộ KH&CN đang tham mưu cho Chính
phủ thực hiện Luật KH&CN có những chính sách để khuyến khích những nhà khoa
học trẻ phát huy năng lực sáng tạo. Những chính sách này sẽ tạo điều kiện để
khuyến khích nhà khoa học sáng tạo.
Toàn bộ xuyên suốt của Luật KH&CN tháo
gỡ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, môi trường đầu tư, môi trường trang thiết
bị phù hợp cũng như chính sách đảm bảo lợi ích vật chất, điều kiện khuyến
khích, trọng dụng, tôn vinh các nhà khoa học để phát huy năng lực sáng tạo của
mình, phục vụ tốt hơn cho phát triển đất nước. Đây là trọng tâm mà ngành KH&CN
đang tập trung để khi Luật KH&CN có hiệu lực thì các văn bản quy phạm kèm
theo các nghị định, thông tư được ban hành được triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Tân - Tổng Giám đốc
Công ty Cổ phần Thiết bị Tân Phát chia sẻ, con người là chìa khóa của sự thành
công. Làm sao có cơ chế chính sách để thúc đẩy sáng tạo của con người, áp dụng
trong thực tiễn để nâng cao năng suất trong sản xuất là quan trọng nhất. Cần có
cơ chế chính sách để tạo ra phong trào trong các doanh nghiệp, cải tiến áp dụng
khoa học kỹ thuật để giảm chi phí tăng năng suất.
Cần có cơ chế chính sách hấp
dẫn người làm khoa học
Hiện nay, tình trạng chảy máu chất xám
ở các viện nghiên cứu khoa học đang xảy ra. Sau khi các nhà khoa học được cử đi
học ở nước ngoài về họ không thường làm ở cơ quan, có làm thì họ không dành hết
thời gian công sức cho nghiên cứu khoa học.
TS. Hồ Ngọc Luật chia sẻ, với mức
lương trong ngành khoa học đối với những người đi học ở những trường có uy tín ở
nước ngoài về mà cũng sử dụng mức lương nhập cuộc như những người học ở trong
nước với hệ số lương 2,34 ban đầu, họ vẫn chưa chuyên tâm ở phòng thí nghiệm để
lo cho sáng tạo của mình, chắc chắn sẽ không có động lực thu hút họ trở lại.
Đây là một bất cập thực sự.
Vậy chúng ta nên có chính sách gì để
giữ chân nhà khoa học, đặc biệt là khối nhân lực trẻ để họ được phát minh, được
cống hiến? Theo TS. Hồ Ngọc Luật, trách nhiệm của Nhà nước là tạo môi trường
thuận lợi để họ phát huy trí tuệ và được cống hiến.
Chia sẻ động lực để khuyến khích những
người nghiên cứu KH&CN trong các doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Minh Tân
cho rằng, đối với bài toán khi đưa ra để giải quyết vướng mắc trong sản xuất,
trong thị trường cần tập trung vào một nhóm và kết hợp với một số nhà khoa học
bên ngoài làm. Khi đề tài đó thành công thì gắn liền với lợi ích của chính nhóm
nghiên cứu đó. Ngoài ra, doanh nghiệp cần vinh danh, ghi nhận để khuyến khích
họ.
Theo ông Tân, chính sách hấp dẫn tư
nhân quan trọng nhất là thủ tục hành chính. Doanh nghiệp có lợi ích kinh tế, chứng
minh được hiệu quả, rồi trích phần lợi nhuận, lợi ích kinh tế ngay cho người
lao động, sáng chế, phát minh. Làm sao điều này được nhân rộng, lan tỏa.
GS. Dương Ngọc Hải bày tỏ, có nhiều
vấn đề về chính sách KH&CN mong muốn được cởi trói trong thời gian tới. Điều
lo ngại nhất đó là thủ tục hành chính rườm rà. Nhiều khi ta áp dụng phương pháp
quản lý hành chính trong quản lý KH&CN. Điều này cản trở để giải phóng trí
tuệ sáng tạo trong KH&CN.
Rõ ràng chúng ta cần có một chính sách
bình đẳng giữa các cơ quan, giữa các viện nghiên cứu nhà nước, tổ chức, doanh
nghiệp tư nhân, Nhà nước không làm thay vai trò của tư nhân. Tuy nhiên, với
những lĩnh vực đặc biệt thì chỉ có Nhà nước mới có thể tham gia thì cần có
chính sách thu hút tài năng, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng cao
với những ưu đãi đặc biệt. Những công trình KH&CN đặc biệt phát triển theo
từng thời gian, tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế xã hội đất nước. Do
vậy, không thể có chính sách phủ toàn bộ các dải tần KH&CN từ ứng dụng,
triển khai cho đến nghiên cứu cơ bản cũng như là các nghiên cứu. Cần có những
chính sách phù hợp cho từng lĩnh vực khác nhau.
TS. Hồ Ngọc Luật cho biết, Bộ KH&CN
đang tham mưu cho Nhà nước có những cơ chế chính sách khuyến khích để động viên
các nhà khoa học có tài năng tham gia thực hiện, chủ trì thực hiện các nhiệm vụ
quốc gia đặc biệt quan trọng. Trong Dự thảo Nghị định triển khai chính sách cán
bộ của Luật KH&CN có đề cập đến người chủ trì nhiệm vụ đó đòi hỏi một tổng
công trình sư, tổng chỉ huy. Như vậy cần có cơ chế chính sách tốt để khai
thác nguồn nhân lực cho phát KH&CN trong những lĩnh vực đặc biệt. Mấu chốt
là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực.
Thông qua cơ chế chính sách, kỳ vọng
Nhà nước sẽ ban hành để chúng ta đặt nền tảng cho những bài toán lớn về KH&CN
được giải quyết, đặt dấu ấn cho tiềm lực KH&CN có bước dài hơn trong tương
lai để phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế xã hội.
Phát triển nhân lực KH&CN phải đi đôi
với việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đó nếu không sẽ là một sự lãng phí rất
lớn cả về mặt tài chính, con người, cũng như là các nguồn lực xã hội khác.
Những chính sách cho phát triển nguồn nhân lực KH&CN cũng cần phải quan tâm
đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đãi ngộ tôn vinh nhà khoa học
có đóng góp lớn cho đất nước.