Các
đại biểu tham dự hội thảo
Tinh thần này gợi nhớ
cảm giác khi bước chân ra nước ngoài lần đầu tiên (Thái Lan), cứ tưởng mình đã
biết nhiều nhưng thật sự vẫn chưa biết gì khi nhìn thấy các chuỗi cửa hàng tiện
lợi Seven 11 phủ khắp thành phố Bangkok. Các kiến thức một lần nữa được ôn
luyện từ các diễn giả (Resource Speaker) đối với tôi không mới so với chương
trình Master từng theo đuổi, nhưng rõ ràng từ học đến bỏ quên, không nhận thức
và không áp dụng là cả một con đường chết đầy nguy hiểm và vô tác dụng. George
Wong, diễn giả từ Singapore, nói nhiều về “thuộc tính quan trọng - key
attributes’ của một doanh nghiệp vừa và nhỏ, về những chặng đường để kinh doanh
bền vững và linh hoạt co giãn với các biến đổi hoặc rủi ro của xã hội, kinh tế,
thiên tai, con người…; về điều kiện tiên quyết để phải có những sản
phẩm và dịch vụ kinh doanh cốt lõi và xuất sắc(phải xuất sắc, phải là
số một nếu muốn tồn tại), những sáng kiến cải tiến trong kinh doanh – không đo
đếm bằng yếu tố ‘mới’, phải là ‘giá trị cộng thêm mới’ (new added value). Chợt
thức tỉnh vì chúng ta thường kinh doanh với tầm nhìn ngắn hạn, không thật sự lường
hết các rủi ro, vẫn chủ quan vì một Việt Nam ít có thiên tai (động đất, sóng
thần…) nhưng các rủi ro khác như kẹt xe, mức độ trung thành thấp của nhân viên,
tỷ lệ hàng giả - hàng nhái cao, đối tác mất uy tín & làm ăn chụp giựt…vẫn
là những nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững trong kinh doanh.
Chúng tôi
luôn nói đến mục tiêu phát triển bền vững và lấy sự thỏa mãn của khách hàng là
thước đo cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, ngay trong hội thảo, tôi nhận
ra sự bền vững này không bền vững nếu chỉ đi bằng một mục tiêu khách hàng. Sự
bền vững chỉ khi chúng ta làm tốt các ‘key attributes’, quan tâm đủ đến các kết
quả phát triển con người, kết quả kinh doanh và lợi nhuận, kết quả phát triển
sản xuất, và dĩ nhiên – sự hài lòng của khách hàng. Và nhận ra cái chúng tôi
thiếu, hoặc cố gắng làm nhiều nhưng vẫn chưa ‘chạm’ được tới từng nhân viên,
chính là lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, hoặc cụ thể hơn là văn hóa luôn đổi mới.
Tham quan nhà máy ATMA, nhà cung cấp độc quyền màn hình các thiết bị điện tử
cho Apple, mới thấy họ rất tài tình trong việc truyền bá văn hóa kinh doanh,
văn hóa chất lượng lên hàng đầu, văn hóa sáng kiến cải tiến. Văn hóa ấy không
chỉ ở các bảng biểu sứ mệnh, tầm nhìn, phương thức quản lý chất lượng có mặt ở
hầu hết các khu làm việc, nhà xưởng; mà trong từng bước chân, điệu bộ, lời nói
và hành vi của vị đại diện Công ty giới thiệu và hướng dẫn chúng tôi tham quan.
Chính vì trên dưới đồng lòng cùng chung một nền văn hóa, cùng với sự lãnh đạo
luôn nắm bắt thời cơ và tinh thần luôn đổi mới, ATMA là cái tên ấn tượng nhất
đối với tôi trong chuyến tham quan lần này.
Chúng tôi vẫn
thường mắt kẹt trong quá nhiều mục tiêu, tầm nhìn và sứ mệnh nên rất thiếu tập
trung vào giá trị cốt lõi, sản phẩm và dịch vụ xuất sắc nhất mà công ty có thể
cung cấp được. Cả bốn công ty trong chuyến tham quan, cái họ làm được chính là
tìm đúng ‘giá trị kinh doanh xuất sắc -business excellence’ và sau đó có những
phương án để đảm bảo ‘business continuty management’ (kinh doanh bền vững,
thích ứng kịp và tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh đối với bất kỳ tình
huống rủi ro nào từ kinh tế, xã hội, môi trường). Phương án này có thể từ việc
phải có không ít hơn 2-3 nhà cung cấp nguyên vật liệu thô để duy trì sản xuất
(tham quan kho nguyên liệu trà của Pei Chen, chúng tôi nhìn thấy các bao ninh
ních trà từ Việt Nam, Sri Lanka, Trung Quốc, và kể cả từ quốc gia tưởng như
không liên quan gì đến sản xuất trà như…Đức); nhà máy sản xuất bố trí đều tại
Đài Loan và Trung Quốc để nhanh chóng ‘kích hoạt’ thay thế khi có sự cố (nhà
máy sản xuất màn hình thiết bị điện tử ATMA); mã hóa công nghệ để tránh việc
đánh cắp thông tin, đầu tư khách hàng vào rất nhiều ngành công nghiệp khác
nhau như F&B, y tế, tàu biển… để tránh rủi ro khi một ngành công nghiệp
‘thở oxy’ (nhà máy sản xuất van, cảm biến điện tử Fine Tek)….
Dù chưa thật
sự chia sẻ thông tin những khó khăn và cách họ vượt qua những khó khăn đó như
thế nào, cái chúng tôi quan sát và ‘nghiệm thu’ được vẫn là những yếu tố chính
để bốn doanh nghiệp này thành công (key success factors) tại thị trường Đài
Loan và quốc tế. Dĩ nhiên, việc áp các yếu tố thành công này vào thị trường
Việt Nam là điều không thể nếu không biến chuyển linh hoạt và thông minh. Việc
tất cả chủ doanh nghiệp và toàn bộ Ban Giám Đốc của lần lượt bốn công ty đón
tiếp chúng tôi tại cơ sở của họ, trả lời và thảo luận mọi câu hỏi cũng cho thấy
văn hóa doanh nghiệp của họ rất rõ ràng và thực tế. Tôi không nói đến yếu tố
‘hiếu khách’ tại bốn công ty này vì đó không phải là yếu tố trong kinh doanh,
nhưng chính yếu tố văn hóa doanh nghiệp rõ nét và cái cách họ cố gắng đưa sản
phẩm và dịch vụ của mình đến thế giới bằng mọi phương tiện có thể để kinh doanh
(có thể thông qua APO) là một cách làm khôn ngoan.
Không quá lời
để nói lịch trình làm việc hợp lý, 40% dành cho lý thuyết và chia sẻ kinh
nghiệm quản lý, kinh nghiệm thị trường, một ít về văn hóa xã hội giữa các thành
viên; và 60% dành cho tham quan các mô hình kinh doanh thành công tại nước sở
tại là một yếu tố thành công của chương trình lần này. Các đại biểu tích cực
tham gia và chia sẻ vì một ngôi nhà chung của Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ của châu
Á Thái Bình Dương; cùng với sự mến khách của Trung tâm Năng suất Đài loan - CPC
là nước chủ nhà và thái độ làm việc chuyên nghiệp là những dấu ấn khác làm nên
một chương trình khảo sát học tập - OSM hiệu quả.
Câu chuyện về
phát triển một doanh nghiệp luôn là một hành trình (journey) như các diễn giả
từng phát biểu trong tham luận. Trong hành trình đó, chúng ta luôn có sự cầu
tiến, tinh thần nâng doanh nghiệp vươn ra thế giới, sự đổi mới và những sự phát
triển bền vững. Tổ chức Năng suất Châu Á - APO và Trung tâm Năng suất Việt Nam
-VPC đang đồng hành cùng chúng tôi làm nên những điều đó.