SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chính sách phát triển khoa học và công nghệ

[27/01/2014 07:21]

Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và các chương trình quốc gia về KH&CN. Trong đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ các chính sách phát triển KH&CN và ứng dụng các thành tựu của KH&CN vào sản xuất; nhanh chóng nâng cao trình độ công nghệ của nền sản xuất, coi đó là con đường chủ yếu để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet  

Tạo hành lang pháp lý phát triển KH&CN

Trong những năm qua, chúng ta đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế chính sách phát triển KH&CN. Hệ thống chính sách, pháp luật về KH&CN được tiếp tục hoàn thiện theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN, xem đây là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của KH&CN. 

Từ năm 2011-2012 và 6 tháng đầu năm 2013 có 130 văn bản được ban hành, bao gồm 01 Nghị quyết Hội nghị Trung ương, 38 văn bản được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, 91 Thông tư do Bộ trưởng và liên Bộ ban hành, trong đó có một số văn bản quan trọng như: Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển KH&CN; Nghị quyết của Chính phủ số 46/NĐ-NQ ngày 29/3/2013 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6, khoá XI; Luật KH&CN sửa đổi (Luật số 29/2013/QH13); Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, đề án quốc gia khác về phát triển KH&CN cũng đã được hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện từ năm 2011. 

Bên cạnh đó, đã tập trung triển khai các chương trình, đề án quốc gia về KH&CN; tăng cường đổi mới quản lý hoạt động KH&CN cấp nhà nước, bộ, ngành, địa phương. Các chương trình KH&CN lớn, dài hạn, đa mục tiêu (như đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao, sản phẩm quốc gia) đã được triển khai đồng bộ. Riêng đối với Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Bộ KH&CN đã tổ chức công bố Danh mục sản phẩm quốc gia đến năm 2020 và tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hoàn tất các thủ tục để triển khai thực hiện. Để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN chủ yếu của giai đoạn 2011-2015, Bộ KH&CN đã phê duyệt và tổ chức triển khai 16 chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước (10 chương trình KHCN; 06 chương trình KHXH). Đã tiến hành đổi mới quy trình xác định nhiệm vụ KH&CN và bước đầu triển khai cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, bảo đảm tiêu chí về tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội và lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ năng lực thực hiện. 

Bên cạnh đó, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia tiếp tục tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng theo phương thức quản lý mới, được cộng đồng khoa học ủng hộ; đồng thời Quỹ đã bước đầu huy động được các nguồn lực khác nguồn ngoài ngân sách. 

Hoạt động KH&CN ở các bộ, ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực. 14 Chương trình/Đề án KH&CN chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ giao đã được các Bộ chủ trì triển khai thực hiện. Công tác quản lý hoạt động KH&CN địa phương được đẩy mạnh. Hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN ở địa phương cũng như hoạt động sự nghiệp, dịch vụ KH&CN tiếp tục được củng cố và phát triển.

Đảm bảo nguồn lực tài chính cho KH&CN

Nguồn lực tài chính cho KH&CN tiếp tục được đảm bảo 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5 - 06% GDP), được phân bổ theo cơ cấu 55% kinh phí cho sự nghiệp KH&CN, 45% kinh phí cho đầu tư phát triển KH&CN.  

Bên cạnh đó, đã hình thành các kênh tài chính hỗ trợ cho hoạt động KH&CN của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp thông qua hệ thống các quỹ quốc gia về KH&CN: Quỹ phát triển KH&CN quốc gia; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Đầu tư của khu vực tư nhân cho hoạt động KH&CN đạt khoảng 350-400 triệu USD. Hiện cả nước có hơn 1.600 tổ chức KH&CN, trong đó tổ chức KH&CN ngoài công lập có xu hướng ngày càng tăng so với các tổ chức công lập. Đã hình thành 02 Viện Hàn lâm trên cơ sở hai viện khoa học quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). 

Nhân lực KH&CN tăng lên về số lượng. Đến nay, cả nước có khoảng 4,28 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có 24,3 nghìn tiến sỹ, 101 nghìn thạc sỹ. So với năm 1996, đội ngũ này tăng hơn 4,6 lần (trung bình 11,6%/năm), số tiến sỹ tăng hơn 2,6 lần (7%/năm) và số thạc sỹ tăng 6,7 lần (14%/năm); tuổi bình quân là 38,5. Số cán bộ nghiên cứu và phát triển đạt 7 người trên một vạn dân. 

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ KH&CN tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. 16 phòng thí nghiệm trọng điểm hoàn thành đầu tư và từng bước phát huy hiệu quả hoạt động. Ba khu công nghệ cao đang tích cực triển khai. Khu công nghệ cao Hòa Lạc tính đến hết tháng 6/2013 có 67 dự án được cấp phép với vốn đầu tư đăng ký là 52.160 tỷ đồng, trong đó có trên 20 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu đạt 87,614 triệu USD; 13 dự án đang triển khai xây dựng; khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã có 71 dự án được cấp giấy phép, trong đó 58 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 2.282,7 triệu USD (trong đó vốn FDI là 1.730,7 triệu USD), đã có 12 doanh nghiệp có hoạt động R&D, trong đó 5 doanh nghiệp có chi phí cho R&D từ 10 - 38% doanh thu; Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và quy hoạch tổng thể, đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư đầu tiên cho Công ty Tokyo Keiki Precision Technology (Nhật Bản) với vốn đầu tư 40 triệu USD. 

Hạ tầng thông tin KH&CN có bước phát triển về chất trên cơ sở ứng dụng rộng rãi Internet, công nghệ số hóa và thư viện điện tử. Công tác thống kê KH&CN cũng được tập trung đẩy mạnh nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia thống nhất và chuẩn mực về KH&CN, phục vụ hiệu quả hơn cho công tác đánh giá và hoạch định cơ chế, chính sách phát triển KH&CN của đất nước. 

Hoạt động của thị trường KH&CN có nhiều khởi sắc; các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ tiếp tục được duy trì ở quy mô quốc gia và vùng, địa phương trên cả nước với sự tham gia của nhiều đối tác từ các nước ngoài, trong 2 năm 2011-2012, đã có trên 7.200 giao dịch công nghệ với tổng giá trị giao dịch là hơn 4.000 tỷ đồng. 

Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN và hình thành hệ thống doanh nghiệp KH&CN. Tính đến tháng 6/2013, trong tổng số 585 tổ chức KH&CN công lập (388 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 197 tổ chức thuộc địa phương) có báo cáo, có 151 (25,8%) tổ chức KH&CN đã tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên; 156 (26,6%) tổ chức KH&CN tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên; 278 (47,6%) tổ chức KH&CN được Nhà nước cấp toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên. Đến nay, đã có 269 (46%) tổ chức được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 

Tiếp tục đầu tư có hiệu quả các khu công nghệ cao

Từ nay đến năm 2015, Chính phủ nhận định, sẽ  tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và các chương trình quốc gia về KH&CN. 

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ các chính sách phát triển KH&CN và ứng dụng các thành tựu của KH&CN vào sản xuất; nhanh chóng nâng cao trình độ công nghệ của nền sản xuất, coi đó là con đường chủ yếu để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển dịch vụ tư vấn, thẩm định, giám định công nghệ và thị trường khoa học công nghệ. Tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. 

Tiếp tục đầu tư và phát huy hiệu quả các khu công nghệ cao, vườn ươm công nghệ. Có cơ chế, chính sách thu hút mạnh các dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao. Phát triển mạnh dịch vụ tư vấn, thẩm định, giám định công nghệ và thị trường khoa học công nghệ. Ban hành chính sách thuế phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ phát triển điện hạt nhân.

NASATI (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ