Công nghệ phát hiện vi khuẩn trong nước
Nhằm mục đích đảm bảo sức khỏe cho các binh sĩ trên chiến trường, nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Western New England tại Springfield và Viện Khoa học vật lý tại Andover, Massachusetts (Mỹ) đã khám phá ra cách thức mới giúp phát hiện vi khuẩn độc hại trong nước.
Được phát triển dựa trên việc sử dụng các sóng âm để đẩy nhanh tốc độ xử lý, phương thức hiện được đánh giá là nhiều tiềm năng hơn so với các kỹ thuật phân tích nước hiện nay vốn đòi hỏi một khoảng thời gian 24 giờ mới có thể đưa ra kết quả. Mục đích của phương pháp nói trên là nhằm đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm vi khuẩn trong môi trường nước. Do vậy, nhóm đã phát triển một thứ tự kích hoạt cơ bản, một kiểu thiết bị báo động dưới nước nhằm duy trì liên tục quá trình theo dõi và phát hiện vi khuẩn.
Đó là một thiết bị cho phép nhanh chóng tập hợp các bào tử vi khuẩn trong dòng nước bằng cách sử dụng lực bức xạ âm thanh, truyền sóng siêu âm vào môi trường nước và tạo ra một áp lực giúp đẩy các vi khuẩn vào trong một túi chứa. Với mỗi lần chạy đơn, thiết bị có thể thu được 15% tế bào vi khuẩn trong nước. Khi dòng chảy bị chặn lại, túi vi khuẩn sẽ được đưa sang dụng cụ xác định loài.
Lần thử nghiệm trước đó với kỹ thuật này, các nhà khoa học đã thành công trong việc tách các hạt polystyrene ra khỏi nước. Lần này, nhóm tiến hành thử nghiệm với vi khuẩn Bacillus cereus, đường kính khoảng 1 micron, không độc hại nhưng lại mang những đặc tính rất giống với nhiều loài vi khuẩn gây độc khác trong nước uống. Các nhà khoa học hy vọng kỹ thuật mới cũng sẽ cho kết quả tương tự với các loài vi khuẩn độc này.