Lệch pha chuyển giao nghiên cứu khoa học
Hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại nhiều trường ĐH trong cả nước hiện còn rất hạn chế, thiếu hiệu quả do chưa gắn với thực tế
Nghiên cứu sinh làm việc
tại phòng thí nghiệm tế bào gốc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM. Ảnh:
TẤN THẠNH
Các nhà khoa học không biết doanh
nghiệp cần gì; trong khi đó, doanh nghiệp thì lại không biết các nhà khoa
học có thể làm được gì. Thực trạng này khiến cho việc chuyển giao, thương mại
hóa nghiên cứu khoa học (NCKH) giữa trường ĐH và doanh nghiệp rất thấp và thiếu
hiệu quả.
Chuyển giao kiểu tự phát
Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và
Công nghệ (KH-CN) mới đây cho biết: Mỗi năm, các tổ chức nghiên cứu trong nước
thực hiện khoảng 2.000 nhiệm vụ KH-CN, trong đó khối các trường ĐH đóng góp
khoảng 16.000-20.000 kết quả. Tuy nhiên, tỉ lệ các nghiên cứu này ứng dụng vào khu
vực doanh nghiệp sản xuất còn rất nhỏ. Hiện chưa đầy 10% kết quả nghiên cứu,
tức là chỉ khoảng 2.000 kết quả, là có tiềm năng ứng dụng thực tế, số còn lại
không phải nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu chưa gắn với thực tế, nhu cầu
sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Trung
tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết: “Nhiều năm qua, các
trường ĐH đều triển khai song song 2 nhiệm vụ là đào tạo và NCKH, nhiều trường
đã chú ý đến việc chuyển giao kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiệm vụ đào tạo
vẫn là chính, hoạt động chuyển giao nghiên cứu chưa được chú trọng”.
Một thực tế là hiện nay hầu như trường
ĐH nào cũng có tổ chức NCKH nhưng không ít đề tài nghiên cứu xong rồi đem cất
vào tủ. Ông Nguyễn Anh Thi - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao
công nghệ ĐHQG TP HCM - nói: “Hoạt động chuyển giao công nghệ của các trường ĐH
tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, chủ yếu là thực hiện tự phát, mang tính cá nhân
giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp. Những hoạt động này chủ yếu thực
hiện thông qua các trung tâm chuyển giao NCKH, tuy nhiên, các trung tâm này
tiềm lực yếu, hoạt động chưa hiệu quả…”.
Ít công trình hay, mới
Theo Bộ KH-CN, trong thời gian qua,
không ít trường ĐH đã đạt được doanh thu tốt trong hoạt động chuyển giao công
nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Theo đó, trong giai đoạn 2006-2010,
hoạt động chuyển giao nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của Trường
ĐH Bách khoa Hà Nội đạt gần 450 tỉ đồng; Trường ĐH Bách khoa TP HCM năm 2009
đạt doanh thu hơn 63 tỉ đồng, năm 2010 là 67 tỉ đồng, năm 2012 đạt 90 tỉ đồng…
Tiềm năng lớn là vậy nhưng nhiều nhà quản
lý, nhà khoa học đều đánh giá hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ trong các
trường hiện chưa hiệu quả, thiếu sự gắn kết giữa các trường, viện với các doanh
nghiệp. Trường ĐH còn thụ động, chưa xuất phát từ thực tế xã hội và doanh nghiệp.
Phần lớn các doanh nghiệp lẫn các trường, viện chưa tham gia các giao dịch như
mua bán bản quyền sáng chế, hợp đồng nghiên cứu và triển khai.
PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP HCM, nhìn nhận trong các
hoạt động KH-CN tại TP HCM, việc đầu tư nghiên cứu còn dàn trải, chưa tập trung
giải quyết các vấn đề lớn. Nhiều đề tài nghiên cứu còn ở quy mô nhỏ và mang
tính cục bộ của từng đơn vị chủ trì, chưa có sự gắn kết giữa cơ quan chủ trì và
các doanh nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng đến việc chuyển giao công nghệ.
ThS Võ Thế Sơn, Khoa Công nghệ vật
liệu Trường ĐH Bách khoa TP HCM, chia sẻ: “Nhiều công trình mà chúng tôi đã và
đang triển khai không có gì mới, chỉ là đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội
đúng lúc, một số đề tài có ít hàm lượng khoa học nên đăng ký khó được duyệt.
Thế nhưng, chúng tôi vẫn chuyển giao công nghệ được nhiều công trình vì khai
thác những giải pháp hữu ích, có các sáng chế để giải quyết những vấn đề đặt ra
về thiết bị và công nghệ trong quá trình chuyển giao công nghệ”.
Các nhà khoa học cho rằng trước đây,
họ chỉ chuyên tâm nghiên cứu mà ít quan tâm đến việc quảng bá cho đứa con tinh
thần của mình. Do vậy, để việc chuyển giao NCKH hiệu quả, cần phải có nhiều
giải pháp đồng bộ, hữu ích giữa trường ĐH và doanh nghiệp. Đồng thời, các đề
tài cần được đánh giá bằng hiệu quả kinh tế mà đề tài đó mang lại trong thực
tế.
Chuyển giao
bằng sàn giao dịch
Ông Phan Minh Tân cho biết trong
năm 2014, TP HCM sẽ đưa sàn giao dịch công nghệ thử nghiệm vào hoạt động, đồng
thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sàn giao dịch công nghệ nhằm thúc đẩy
chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước đến với doanh nghiệp; tiến hành
nâng cao năng lực KH-CN và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các
tổ chức KH-CN công lập, đầu tư và khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo
doanh nghiệp công nghệ tại các trường ĐH...
|