Phát triển nhân lực chất lượng cao cho ngành vật lý
Khó khăn của chương trình phát triển vật lý không phải là xây dựng đề án mà nằm ở việc thực hiện đề án đó như thế nào trong bối cảnh nguồn kinh phí eo hẹp, thời gian có hạn. Tại Hội thảo Định hướng mục tiêu và giải pháp triển khai các chương trình phát triển vật lý đến năm 2020, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc thực hiện chương trình sẽ đặc biệt khó khăn.
Cán bộ nghiên cứu làm việc trên
máy tạo màng mỏng bằng trùm xung điện
Từ thu hút người học...
Nhân lực là vấn đề quan trọng hàng đầu
đối với Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020, song đây cũng là điều rất
đáng lo ngại trong giai đoạn hiện nay. Theo thống kê của Bộ GD - ĐT tại 18
trường đại học và 2 đại học quốc gia, từ năm 2011 - 2013, tổng số sinh viên
ngành vật lý được đào tạo là 11.045 sinh viên trong đó điểm tuyển sinh ở mức
trung bình chiếm đa số, chỉ có cá biệt một số trường có điểm tuyển sinh tương
đối cao từ 19 - 22 điểm như ĐH Bách Khoa Hà Nội hay các trường sư phạm.
Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học, ĐH Thái
Nguyên Nguyễn Văn Đăng chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, những ngành khoa
học cơ bản đặc biệt là ngành vật lý tuyển sinh rất khó khăn. Trong khi đây là
ngành đòi hỏi phải có thật nhiều sinh viên giỏi theo học nhưng các trường
thường rơi vào tình trạng tuyển sinh bằng điểm sàn, tức là những em thực sự
giỏi không lựa chọn ngành vật lý. Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu đầu ra của
xã hội, thường thì sinh viên học ngành vật lý ngoài sư phạm rất khó tìm kiếm việc
làm. Bởi theo Quyết định 1090 của Bộ GD - ĐT mới đây, ngừng cấp chứng chỉ cho
những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên.
Không ít chuyên gia cho
rằng, nếu chỉ chạy theo số lượng mà không thấy được chất lượng thì ngành vật lý
sẽ khó có điều kiện phát triển được. Bởi không phải tất cả những sinh viên được
đào tạo đại trà về vật lý sẽ tập trung nghiên cứu phát triển ngành vật lý mà
chỉ có những người thực sự giỏi mới đủ tâm huyết theo đuổi ngành này. Ngay cả
những nước phát triển như Mỹ, theo Gs Silvera ở ĐH Havard, chỉ khoảng 1/3 đến
1/4 số người học vật lý theo đuổi công việc nghiên cứu chuyên về vật lý.
Nguồn nhân lực tương lai để nghiên cứu
vật lý phải là những sinh viên, học sinh ở top đầu, hay nói cách khác là lực
lượng tinh hoa trong những người học ngành này. Chính vì vậy, để tìm kiếm, phát
hiện và nuôi dưỡng những nhà vật lý thì cần phải tập trung đầu tư, ưu tiên vào
các lớp chuyên lý tại các trường phổ thông hoặc những lớp cử nhân tài năng, kỹ sư
tài năng về vật lý tại các trường đại học như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự
nhiên, ĐH Sư phạm.
Chia sẻ kinh nghiệm của ĐH Bách khoa
Hà Nội trong thu hút nhân lực, Gs Nguyễn Đức Chiến nói, riêng trong lĩnh vực
vật lý hạt nhân, từng có nhiều năm trường ĐH Bách Khoa thiếu sinh viên theo học
nhưng từ khi có chương trình học bổng, số lượng sinh viên đăng ký đã lên tới
hàng trăm em. Điều đó cho thấy, để thu hút sinh viên theo học không hề khó, chỉ
cần có cơ chế tạo điều kiện thì sẽ giải quyết được vấn đề cốt lõi trong phát
triển nhân lực ngành vật lý ở nước ta. Tuy nhiên, ngoài cơ chế học bổng cần có
chính sách miễn giảm học phí để thu hút sinh viên giỏi thực sự. Có thể không
nhiều, mỗi năm khoảng từ 5 – 10 chỉ tiêu học bổng toàn phần để những sinh viên
giỏi có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện theo học, góp phần phát triển nguồn
nhân lực chất lượng cao.
...đến đào tạo giảng viên
Đối với các trường đại học đào tạo
chuyên ngành vật lý hiện nay, khó khăn không chỉ là thiếu sinh viên theo học mà
còn thiếu đội ngũ có trình độ chuyên về giảng dạy. Bà Nguyễn Kim Dung, Vụ KHCN
và MT, Bộ GD và ĐT cho biết, theo điều tra 18 trường đại học và 2 đại học quốc
gia từ năm 2011 – 2013, chỉ có khoảng 600 giảng viên về vật lý, trong đó trình
độ thạc sỹ chiếm 50 - 52%, số giảng viên có trình độ tiến sỹ vào khoảng 37%.
Ngay cả những cơ sở đào tạo như ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, mặc dù 100%
giảng viên có trình độ tiến sỹ nhưng số lượng giảng viên vẫn rất hạn chế.
Cùng với thực trạng thiếu giảng viên
là sự già hóa về tuổi đời của những giảng viên có trình độ tiến sỹ và trên tiến
sỹ. Ước tính số lượng giảng viên sắp đến tuổi nghỉ hưu khoảng gần 50%, phần lớn
là những giáo sư đầu đàn về ngành vật lý. Điều đáng nói là hoạt động nghiên cứu
khoa học của giảng viên, nhà khoa học trong trường đại học cũng rất khiêm tốn.
Ước tính, số công trình được công bố là 954 công trình, trong đó chủ yếu tập
trung ở cấp cơ sở, cấp bộ rất ít, cấp nhà nước chỉ có 36 đề tài. Số bài báo
trong nước là 1.055 bài và 674 bài báo quốc tế, tài liệu xuất bản cũng chỉ vào
khoảng 45 tài liệu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tạo
điều kiện cho những người trẻ dưới 35 tuổi có nhiệt huyết với ngành được cống
hiến tài năng bằng chế độ tiền lương hợp lý với môi trường làm việc thuận lợi.
Đơn cử như tạo cơ hội cho giảng viên trong trường cùng tham gia thực hiện những
đề tài khoa học lớn hoặc Giải thưởng nghiên cứu trẻ về vật lý. Đây sẽ là điều
kiện để những tiến sỹ, giảng viên trẻ tuổi trải nghiệm nghiên cứu trước khi họ
có đủ khả năng thực hiện đề tài lớn có chất lượng đạt yêu cầu của quỹ KHCN quốc
gia.
Bên cạnh đó cũng có chính sách thu hút
cán bộ trẻ được đào tạo tại nước ngoài hay sinh viên giỏi nhất được cấp học
bổng trở về làm việc tại các trường và viện nghiên cứu. Thực tế cho thấy, nhờ
có chính sách tạo môi trường làm việc tốt, tạo cơ hội cho nhà khoa học được
tiếp tục nghiên cứu thay vì chỉ chuyên về giảng dạy, nhiều đơn vị nghiên cứu và
đào tạo về vật lý của trường ĐH Bách khoa Hà Nội như Viện Vật lý kỹ thuật, Viện
ITIMS và Viện AIST, trong ba năm đã lôi kéo được hơn hai mươi tiến sỹ
trẻ từ các nguồn đào tạo khác nhau ở nước ngoài về.
Theo ông Phạm Đức Thắng, đại diện ĐH
Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cần phải mất khoảng thời gian dài để thu hút
nhân lực có trình độ cao từ nước ngoài về, do vậy có thể thông qua các đề án
của Nhà nước như Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường đại
học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020 (Đề án 911) tạo điều kiện cho giảng
viên trẻ được sang nước ngoài học tập. Song cũng tránh đi vào vết xe đổ của
những đề án trước như Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng
ngân sách nhà nước (Đề án 322), khi từng có nhiều người được đào tạo nhưng
không quay trở về Việt Nam.