Nếu những nhà khoa học Mỹ không phát minh ra hiệu ứng neutron thì lý thuyết về vùng năng lượng chưa đủ để thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng điện tử. Điều đó cho thấy, những phát minh về lý thuyết vật lý mà không đi liền với ứng dụng sẽ rất khó có giá trị.
Theo Gs.Ts Nguyễn Văn Hiệu - nhà khoa học ngành vật lý lý thuyết và vật lý toán
học xuất sắc, điểm yếu khiến ngành vật lý nước ta không mạnh cũng chính là ở chỗ
lý thuyết không thường gắn với thực nghiệm. Theo báo cáo hiện trạng nghiên cứu
vật lý từ năm 1996 đến nay, nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm ở nước
ta còn quá tách rời nhau, trong khi có rất nhiều dự án không chỉ đơn lẻ là thực
nghiệm hay lý thuyết mà bắt buộc phải có sự kết hợp mới cho ra những kết quả xứng
tầm.
Thực tế cho thấy, không có nước nào trên thế giới có sự tách riêng giữa lý thuyết
và thực nghiệm, đã từng có nhà khoa học nước ngoài miệt mài với công trình
nghiên cứu về vật lý lý thuyết để tìm cách gắn với thực nghiệm và sau nhiều năm
đã dành được giải Nobel. Gs Nguyễn Đại Hưng - Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam cho
biết, nhiệm vụ của chương trình vật lý sắp tới là phải san bằng khoảng cách và
gắn kết hai nội dung này với nhau. Tức là xác định hướng nghiên cứu theo đối tượng
nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu chứ không tách ra hướng vật lý lý thuyết và
thực nghiệm, điều đó hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại tức là thiên về
đối tượng nghiên cứu nhiều hơn. Song không thể áp dụng các biện pháp hành chính
mà phải có cơ sở gắn kết để những nhà nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết ngồi
lại với nhau. Muốn như vậy cần có bàn tay tác động của những nhà quản lý, tạo
điều kiện cho các nhà vật lý đứng chung với nhau trong cùng dự án nghiên cứu lớn.
Ts Ngô Sỹ Lương, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, gắn nghiên
cứu cơ bản với thực nghiệm ở nước ta là điều hoàn toàn có thể làm được bởi hiện
có không ít dự án lớn của Nhà nước ưu tiên về nghiên cứu cơ bản theo định hướng
ứng dụng. Đơn cử như khi kết thúc một đề tài nghiên cứu cơ bản, các nhà khoa học
ĐH Khoa học Tự nhiên đã chuyển giao thành công bộ Kit dùng để ứng dụng trong chẩn
đoán và phát hiện các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, bệnh di truyền bằng
các kỹ thuật sinh học phân tử và giải trình tự gene.
Lý thuyết với thực nghiệm gắn liền với nhau để có công trình vật lý lý thuyết
mạnh và có những nghiên cứu ứng dụng hiệu quả nhưng nhằm đi đến mục đích gì,
cũng là câu hỏi được đặt ra. Theo Gs Nguyễn Văn Hiệu, có thể những bài báo rất
hay, được trích dẫn nhiều lần là niềm tự hào của ngành vật lý nhưng những bài
báo đó chưa thể coi là việc tầm cỡ quan trọng quốc gia hay mục tiêu của ngành vật
lý. Định hướng của ngành vật lý phải là phát huy trí tuệ, tài năng của những
nhà khoa học đồng thời khuyến khích họ đi vào giải quyết những vấn đề của đời sống,
vấn đề thiết thực của đất nước. Điều đó đòi hỏi Chiến lược phát triển ngành Vật
lý tới 2020 cần ghi rất rõ, định hướng nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề
quan trọng có tầm cỡ quốc gia.