SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hội thảo “Cải cách quy định hành chính vì sự phát triển kinh tế - xã hội”

[30/11/2010 08:48]

Ngày 25/11/2010, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức Hội thảo ASEAN-OECD về cải cách quy định hành chính với chủ đề “Cải cách quy định hành chính vì phát triển kinh tế - xã hội”.

Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Tổng thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mario Amano, lãnh đạo các bộ ngành trung ương, 20 tỉnh thành phố trong nước và các nước trong khối ASEAN, OECD tham dự. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã tham dự Hội thảo.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là Hội thảo đầu tiên được tổ chức trong khu vực về cải cách quy định hành chính- một chủ đề được coi là nóng bỏng trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Bộ trưởng cho rằng thủ tục hành chính nói riêng và hệ thống thể chế nói chung có chất lượng kém sẽ làm tăng gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, kìm hãm người dân và doanh nghiệp trong việc mang lại giá trị gia tăng và tạo việc làm cho xã hội. Nền kinh tế mỗi nước sẽ có được những lợi ích to lớn nếu xây dựng một hệ thống thể chế minh bạch, vững chắc, khả thi và có khả năng tiên liệu.

Cải cách thể chế là một hoạt động đa dạng đòi hỏi sự phối hợp của hệ thống chính trị ở nhiều cấp cũng như của các bên có liên quan, bao gồm người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học và giới luật sư. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua theo đề án 30 là một minh chứng điển hình cho công việc này.

Phó Tổng thư ký Mario Amano nhận định giảm gánh nặng quy định thủ tục hành chính, nâng cao tính linh hoạt của các quy định hành chính là hết sức cần thiết. Ông Mario Amano cho hay, các nước OECD đang giảm các quy định hành chính thái quá đối với các donah nghiệp để thúc đẩy vấn đề công ăn việc làm, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Theo nhận định của OECD, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc đạt được mục tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Chính phủ Việt Nam hiện đang đối diện với những thách thức thực thi quan trọng nhằm bảo đảm người dân và doanh nghiệp thực sự cảm nhận được kết quả cải cách.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Việt Nam hiện đang ở giai đoạn quan trọng khi các kết quả bắt đầu được hiện thực hóa. Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện quản trị công, chất lượng thể chế, kích thích năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bình đẳng. Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các thủ tục hành chính tại Việt Nam đã được tập hợp vào một cơ sở dữ liệu quốc gia và công bố trên mạng Internet. Đề án 30 đã chứng tỏ khả năng hiệu quả trong việc thống kê và xác định các nội dung đơn giản hóa.

Mặc dù đã có nhiều thành tựu trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc cần làm để thực thi các phương án đơn giản hóa. Các phương án đề xuất cần được hiện thực hóa thông qua việc sửa đổi các văn bản pháp luật hoặc thực hiện các thủ tục đã được đơn giản hóa. Việt Nam cần tận dụng đà cải cách hiện tại và sự ủng hộ chính trị rộng rãi nhằm hoàn thành giai đoạn thực thi của đề án, củng cố mối liên kết với các chương trình có liên quan của Chính phủ và thực hiện một chương trình cải cách thể chế trung hạn.

OECD đã đánh giá ghi nhận những thành tựu đạt được của Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam và cho thấy để giải quyết những thách thức này, cần có một chương trình cải cách thể chế tổng thể. Ông Mario Amano cho rằng “Đề án 30 rất quan trọng, phải là nền tảng để hướng tới một chiến lược cải cách thể chế tổng thể. Chiến lược này sẽ hỗ trợ thu hút đầu tư cần thiết dành phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng điều kiện tốt hơn cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp và chất lượng quản trị công – đều là những nhân tố cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam”.

Đánh giá của OECD đã đề xuất một số lựa chọn để duy trì các nỗ lực cải cách cần thiết. Các bài học thành công của Việt Nam sẽ hữu ích cho các quốc gia mới nổi khác đang tìm cách cải thiện môi trường thể chế.

OECD khuyến nghị ba bước quan trọng sau: Xây dựng một chính sách đơn nhất, công khai để thúc đẩy chính sách thể chế xuyên suốt trong bộ máy chính phủ. Việt Nam cần đầu tư cho việc xây dựng năng lực đánh giá tác động nhằm hướng tới việc xây dựng chính sách dựa vào bằng chứng và hỗ trợ cho Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính có đủ năng lực chủ trì, triển khai thành công chương trình cải cách thể chế tại Việt Nam trong những năm tới; Chính phủ cần củng cố việc đối thoại với người dân và doanh nghiệp. OECD khuyến nghị tái cấu trúc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng tính năng động và hiệu quả, đồng thời giao cho Hội đồng một vị trí và vai trò rõ ràng. Hội đồng nên được thành lập với tư cách là một tổ chức thường trực và mở rộng tính đại diện của các thành viên; chương trình cần tập trung vào việc tiếp tục cắt giảm. Việc sử dụng công nghệ thông tin có tiềm năng hỗ trợ cắt giảm gánh nặng nhiều hơn nữa. Cần áp dụng việc thống kê và rà soát mọi văn bản quy phạm pháp luật như đã thực hiện đối với thủ tục hành chính.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe các báo cáo đánh giá, cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của các nước đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính như: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Indonesia

Hội thảo sẽ là bước khởi đầu cho sự hợp tác dài hạn giữa các nước thành viên trong khối ASEAN và OECD trong lĩnh vực cải cách thể chế.

www.most.gov.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ