Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Thảo luận về tình hình KT-XH tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII, ý kiến ĐBQH tâm tư về một nền nông nghiệp chưa phát triển của đất nước, về đời sống còn nhiều khó khăn của nông dân. ĐBQH đề nghị đẩy mạnh việc đưa khoa học, công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; Chính phủ cần dành một khoảng ngân sách thích đáng cho công tác giống và nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch, nhằm góp phần giảm thất thoát và nâng cao giá trị nông sản hàng hóa…
Theo ĐBQH
Đinh Thị Phương Khanh (Long An), thời gian qua, năng lực cạnh tranh của hầu hết
nông sản hàng hóa của nước ta còn thấp, chỉ số cạnh tranh của các ngành hàng
nông sản, thủy sản chỉ ở mức trung bình hoặc dưới mức trung bình của thế giới.
Chẳng hạn, rau quả chỉ ở 47,1, lương thực 42,9, chăn nuôi chỉ ở mức 40. Thất
thoát trong sản xuất và thu hoạch còn cao. Chỉ tính riêng trong khâu sau thu hoạch
lúa, hàng năm chúng ta đã mất đi 600 triệu USD, tương ứng mức trung bình khoảng
87,5 USD/1 tấn gạo xuất khẩu. Phần lớn nông sản xuất khẩu của đất nước chỉ ở dạng
sơ chế, vì giá trị gia tăng thấp.
Trong bối
cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, lĩnh vực nông nghiệp của đất
nước chưa đáp ứng yêu cầu và khả năng cạnh tranh là một thách thức không nhỏ.
ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) trăn trở, sản phẩm nông nghiệp nước ta vẫn
còn bộc lộ sự thiếu cạnh tranh, thiếu tính bền vững. Đời sống người nông dân
còn khó khăn, gian nan sản xuất ra sản phẩm nhưng không quyết định được giá cả.
Mô hình sản xuất thông qua chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với
nông dân và doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ hoặc ở dạng thí điểm. Có một thực trạng
là trong khi các loại cá cơm, trái cây, các loại sản phẩm lợi thế của đồng bằng
sông Cửu Long chưa biết bám đâu tìm đầu ra cho sản phẩm thì các tỉnh biên giới
phía Bắc mới đây vừa nhập lượng lớn từ Trung Quốc để vào tiêu thụ ở nước ta.
Mặc dù
đang có sự chuyển dịch lao động sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhưng hiện
lao động làm trong khu vực nông nghiệp vẫn chiếm trên 40% và khoảng 70% dân số
sống ở khu vực nông thôn. Với lợi thế rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu, chúng
ta có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. ĐBQH
Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) khẳng định, thời gian qua, khi kinh tế thế giới, kinh
tế Việt Nam gặp khó khăn thì đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư
nghiệp giữ một vai trò quan trọng, quyết định đến sự ổn định chính trị của đất
nước. “Nhưng nhìn lại với những kết quả đã đạt được so với tiềm năng, lợi thế
thì giá trị hàng xuất khẩu của lĩnh vực này còn quá khiêm tốn”, đại biểu Bế
Xuân Trường trăn trở.
Nhiều ý
kiến đại biểu dân cử đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến trình và nâng cao hiệu quả
của công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, hướng
đột phá để phát triển nông nghiệp chính là áp dụng công nghệ cao trong nông
nghiệp. Bao gồm, tháo gỡ chính sách để huy động, tạo thị trường, đẩy mạnh
nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao tới từng lĩnh vực thế mạnh của
ngành nông nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh quy mô sản xuất theo chuỗi liên kết giá
trị, sản phẩm gắn với doanh nghiệp và nguyên liệu; nâng cao tính chuyên nghiệp
và hiệu quả của lĩnh vực logistics gắn với hoàn thiện kênh phân phối, tiếp thị
sản phẩm; hỗ trợ người sản xuất xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản
phẩm thông qua thị trường. Cùng với đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét bỏ
thuế VAT đối với nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, rà soát gỡ vướng cho các
chính sách ưu đãi hiện hành.
ĐBQH Đinh
Thị Phương Khanh đề nghị, thời gian tới Chính phủ cần dành một khoảng ngân sách
thích đáng cho công tác giống và nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, nhất
là công nghệ sau thu hoạch, nhằm góp phần giảm thất thoát và nâng cao giá trị
nông sản hàng hóa. Song song với đó, đổi mới công tác khuyến nông, khuyến lâm,
khuyến ngư trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa sự tham gia của Nhà nước và doanh
nghiệp, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Đồng
thời, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có một giải pháp mạnh tay hơn
Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào
nông nghiệp, nông thôn để thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực
chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản.
Nhấn mạnh
cần tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm như lúa
gạo chất lượng cao, cây ăn quả, thủy sản, ĐBQH Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) kiến
nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh những kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ,
đặc biệt là công nghệ sinh học, các chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ
cấp quốc gia để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là giống cây trồng, vật
nuôi; chương trình khoa học, công nghệ phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới;
các chương trình khoa học, công nghệ xây dựng và phát triển chuỗi cây nông sản,
thực phẩm an toàn, nhằm phục vụ có hiệu quả đề án chuyển dịch tái cơ cấu sản xuất
nông nghiệp. Đại biểu Bế Xuân Trường tin tưởng, khi khoa học, công nghệ cao được
triển khai có hiệu quả trong ngành nông nghiệp sẽ tạo ra sức đột phá, giá trị
xuất khẩu sẽ cao, nông dân Việt Nam sẽ phấn khởi...