SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển KHCN trong nông nghiệp: DN là đầu tàu!

[06/12/2014 15:06]

Phát triển KHCN trong nông nghiệp không chỉ trông chờ đầu tư của Nhà nước, mà cần phải thu hút, khuyến khích DN chủ động tham gia sâu hơn vào nghiên cứu, chuyển giao, liên kết với người nông dân, các cơ sở nghiên cứu khoa học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đây là quan điểm nhận được sự đồng tình của các đại biểu tham gia hội thảo KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sáng 6/12.

Chủ trì hội thảo có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.

Trao đổi cùng hơn 500 đại biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp từ DN, các viện, trung tâm nghiên cứu và cả người nông dân đối với việc xây dựng, triển khai cơ chế chính sách phát triển KHCN trong nông nghiệp, nông thôn cả ở khâu sản xuất lẫn tiêu thụ.

“Không chỉ những công nghệ hiện đại, đầu tư lớn mà rất nhiều sáng kiến nhỏ trong ứng dụng KHCN cũng cần được quan tâm, nêu lên trong hội thảo. Để từ đó, chúng ta đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu cụ thể đối với các bộ, ngành để có những tháo gỡ sát thực tế”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Báo cáo của Bộ NNPT&NT, cả nước hiện có 33.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 90% có số vốn dưới 10 tỷ đồng. Vì vậy, mức đầu tư của DN dành cho đổi mới và nghiên cứu khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng doanh thu. Bên cạnh đó, trong số 350 DN có tiềm năng phát triển thành DN KHCN, cũng chỉ có 28 DN (8%) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận hoạt động KHCN ngành nông nghiệp hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng chưa nhiều, tỷ lệ thương mại hóa thấp.

Thực tế này khiến các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ đạt về số lượng, thiếu sức cạnh tranh về chất lượng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng để thực hiện được mục tiêu này thì vai trò của các DN trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN là rất quan trọng.

“Đây là lực lượng đầu tư lớn nhất cho KHCN. DN là nơi sử dụng, là trung tâm, biến các ý tưởng nghiên cứu thành sản phẩm xã hội. Do đó, cần đặt vai trò của DN trong KHCN ở vị trí xứng đáng”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nhìn tổng thể nông nghiệp Việt Nam không còn là nền nông nghiệp lạc hậu, nhiều ngành đã tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, cơ giới hóa, điện khí hóa.

Các tiến bộ khoa học đã đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong khâu lai tạo, nhân giống cây trồng vật nuôi mới, tăng năng suất, thay thế giống nhập ngoại. Các giống cây trồng mới như lúa, cao su, cà phê, tiêu... đã đạt năng suất cao hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, do hệ thống chuyển giao KHCN còn nhiều hạn chế, năng lực nắm bắt công nghệ tiên tiến kém nên đa phần nông sản Việt thua kém các đối thủ cạnh tranh cả về chất lượng lẫn giá thành, hiệu quả kinh doanh thấp.

“KHCN là yếu tố chính giúp tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến DN tại hội thảo bày tỏ đồng tình với quan điểm phát triển KHCN trong nông nghiệp không chỉ trông chờ đầu tư của Nhà nước, mà cần phải có những cơ chế thu hút, khuyến khích DN chủ động tham gia mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, chuyển giao, liên kết với người nông dân, các cơ sở nghiên cứu khoa học. Còn Nhà nước cần làm tốt hơn vai trò kiến tạo môi trường thuận lợi cho DN KHCN.

Tại Hội thảo, một số chỉ tiêu phát triển, ứng dụng các thành tựu KHCN được Bộ NN&PTNT cùng Bộ KH&CN nhấn mạnh như: 100% tiến bộ kỹ thuật được Bộ công nhận và ứng dụng vào sản xuất; 80% các nghiên cứu về chính sách phục vụ trực tiếp cho phát triển ngành và ban hành văn bản quản lý Nhà nước; 60% các tiêu chuẩn quốc gia của ngành hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; trên 90% vật tư nông nghiệp được quản lý bằng hệ thống quy chuẩn Việt Nam...

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ