Ứng dụng công nghệ sinh học phát triển nông nghiệp sạch
Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng và phân bón hóa học trong trồng trọt và chăn nuôi ở nước ta là một thực trạng đáng báo động, gây ra những hệ lụy, hệ quả khôn lường. Vì vậy, xây dựng nền nông nghiệp sạch là mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) được coi là giải pháp cứu cánh.
Nguồn: vsage.vn
Ứng dụng CNSH vào
nông nghiệp
Nông nghiệp sạch là hệ thống quản lý
sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu tổng hợp, giúp giảm
thiểu tối đa ô nhiễm về không khí, đất, nước và bảo đảm tối ưu hóa sức khỏe cho
con người cũng như bảo đảm đời sống cộng đồng, mối quan hệ giữa cây trồng, vật
nuôi và con người. Nhà nước đã có nhiều dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống nuôi
trồng, cung ứng nhưng dường như nông sản sạch vẫn bị hụt hơi trong cuộc
đua với nông sản kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Trên thực tế, người
nông dân vẫn chưa hào hứng với việc chuyển sang nông nghiệp sạch vì chi phí sản
xuất cao, thu nhập thấp trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn hẹp.
Thực tế đó đã đặt ra câu hỏi, làm thế nào để nâng cao năng suất, chất lượng sản
phẩm nông nghiệp mà vẫn bảo đảm sạch?
Tại Hội thảo Phát triển nông
nghiệp sạch bằng CNSH do Bộ KH - CN tổ chức mới đây, Phó Cục
trưởng Cục Thông tin KHCN Quốc gia Lê Thị Khánh Vân cho rằng, CNSH chính là
giải pháp hữu hiệu, là cứu cánh cho nền nông nghiệp sạch, giúp tạo ra
những giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng tốt. Bằng CNSH,
có thể khai thác đối tượng thực vật, động vật, vi sinh vật sạch đúng nghĩa, đơn
cử như sữa chua, phô mai – những sản phẩm có được từ quá trình lên men.
Thực tế cho thấy, từ những năm 70 với
sự bùng nổ của kỹ thuật sinh học phân tử như ADN tái tổ hợp hay chuyển sang cấy
mô, cấy phôi đã tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, nâng cao giá trị cả
về kinh tế. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, với những sản
phẩm nông sản sạch, tỷ lệ xuất nhập khẩu của các quốc gia đã có sự thay đổi rõ rệt.
Đơn cử như việc xuất khẩu thực vật chuyển đổi gene đã đem tới lợi nhuận đáng kể
cho nước Mỹ, tăng từ 1,5 tỷ USD năm 1998 lên tới 20 tỷ USD năm 2010. Hay nước
Đức, quốc gia có nông sản đứng hàng đầu thế giới về chất lượng và tiêu chuẩn
quốc tế, cũng nhờ ứng dụng CNSH. Tại các nông trang được xây dựng theo mô hình
hợp tác xã, hơn 30% diện tích khai thác nông nghiệp theo phương pháp sinh học,
ít tổn hại tới môi trường như sử dụng phân hữu cơ, giảm thiểu phân hóa học và
thuốc trừ sâu độc hại.
Cũng nhờ ứng dụng CNSH vào sản xuất
nông nghiệp sạch mà Israel
– một quốc gia có điều kiện khí hậu khắc nghiệt với 2/3 diện tích lãnh thổ là
sa mạc và đồi núi, đã đứng vào hàng ngũ những nước phát triển nhất thế giới. Dù
không có nguồn nước sạch dồi dào nhưng Israel vẫn nuôi trồng thủy sản có
năng suất siêu cao với chất lượng sạch do không sử dụng thuốc kháng sinh, cá
không nhiễm virus, vi khuẩn, kí sinh trùng và không sử dụng chất độc hại khác.
Tại một cơ sở nuôi cá siêu thâm canh, với 40 bể nhựa tròn trong nhà có mái che,
thể tích 15m3, mỗi năm họ thu lãi ròng khoảng 5 tỷ VNĐ.
Vẫn còn băn khoăn
Ở nước ta, nhiều địa phương đã có
những mô hình về nuôi trồng rau sạch, gia súc sạch như sử dụng phân hữu cơ từ
vi sinh vật có lợi cho sản phẩm cây trồng, bảo đảm chất dinh dưỡng. Công ty Thiên
Sinh và Công ty TNHH Hữu Cơ là những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng
công nghệ vi sinh vật lên men để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học và phân bón
hữu cơ vi sinh nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cải tạo đất và
bảo vệ môi trường. Nhiều viện nghiên cứu, trường đại học cũng có những thành
công đáng kể trong việc đưa khoa học vào phát triển nông nghiệp sạch đơn cử như
kết quả nghiên cứu triển khai ứng dụng thuốc trừ sâu từ vi sinh vật tự nhiên và
vi sinh vật tái tổ hợp của Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam.
Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều nơi đã bước đầu chú trọng tới khâu xử lý nước
thải, giảm dư lượng kháng sinh, để nâng cao năng suất, chất lượng các nông sản
như tôm sú, cá basa.
Không thể phủ nhận, việc ứng dụng CNSH
vào phát triển nông nghiệp sạch là giải pháp đột phá hiện nay. Tuy nhiên, không
ít chuyên gia cho rằng, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng CNSH vẫn chưa tương
xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch
trong giai đoạn hiện nay. Trên thực tế, việc ứng dụng các mô hình trồng rau
theo phương pháp thủy canh, khí canh vẫn còn hạn chế, chưa được áp dụng phổ biến
trong sản xuất đại trà do kinh phí đầu tư khá cao và chỉ áp dụng ở quy mô hộ
gia đình tại các thành phố lớn. Rõ ràng, với hình thức tổ chức kinh tế hộ nhỏ,
sản xuất manh mún như hiện nay thì việc người nông dân đưa CNSH vào sản xuất
nông nghiệp sạch sẽ gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều đề tài nghiên cứu
về ứng dụng CNSH vào phát triển nông nghiệp vẫn còn ở trong phòng thí nghiệm.
Nguyên nhân dẫn tới chậm triển khai những đề tài này là do lực lượng nghiên cứu
CNSH còn mỏng, thiếu cán bộ trình độ cao trong khi nội dung nghiên cứu rộng bao
gồm tất cả lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp. Các nhà khoa học phần lớn
đã cao tuổi và tỷ lệ cán bộ khoa học có đủ năng lực chủ trì đề tài nghiên cứu
còn thấp.
Bên cạnh giải pháp nâng cao chất lượng
nhân lực nghiên cứu CNSH, Ts Lê Thị Nhi Công - Viện Công nghệ Sinh học, Viện
Hàn lâm KHCN Việt Nam nhận định, điều quan trọng trước mắt phải thay đổi được
tư duy, nhận thức của nông dân và người tiêu dùng đối với sản phẩm nông
sản có ứng dụng CNSH. Bởi theo các chuyên gia quốc tế, hiện người dân đang tiếp
nhận những thông tin sai lệch về CNSH nhất là về cây trồng biến đổi gene, dẫn đến
khó ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp sạch.