SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Năm 2014 - năm thành công của khoa học-công nghệ Việt Nam

[30/12/2014 16:47]

Đánh giá hoạt động của ngành khoa học công nghệ vào thời điểm kết thúc năm 2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng: "Năm 2014 tuy 'vất vả' nhưng cũng rất thành công đối với ngành khoa học công nghệ Việt Nam."

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trách nhiệm của ngành khoa học công nghệ rất “nặng nề” khi phải đưa Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2013 và chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2014 vào cuộc sống.

Cùng với việc cụ thể hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định hướng dẫn Luật và gần 100 văn bản dưới Nghị định, là các quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ Khoa học công nghệ, thông tư liên tịch giữa các Bộ.

Các Thông tư liên tịch là khâu vướng mắc nhất, bộ cũng đang cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất nội dung ban hành sớm. Các nội dung văn bản ban hành đã hoàn thiện và kịp thời theo tinh thần đổi mới của Luật Khoa học và Công nghệ nhằm đưa nhanh các cơ chế, chính sách vào cuộc sống.

Có thể nói, thành tựu quan trọng nhất trong năm 2014 là việc xây dựng nền tảng pháp lý cho khoa học và công nghệ nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đổi mới cơ bản, đồng bộ và toàn diện hoạt động khoa học và công nghệ. Hệ thống luật pháp tương đối đầy đủ và đổi mới đã phát huy tác dụng khi các kết quả nghiên cứu trong năm 2014 được tôn vinh và đánh giá cao.

Điển hình là công trình "Chế tạo hệ thống chủng giống virus vắcxin Rota và sản xuất vắcxin Rotavin-M1 tại Việt Nam" của tác giả phó giáo sư-tiến sỹ Lê Thị Luân - Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế. Thành công này giúp khẳng định Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắcxin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế, đem lại hiệu quả xã hội và kinh tế rất cao.

Với công trình "Ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp", tác giả phó giáo sư-tiến sỹ Trần Ngọc Lương - Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Australia, Singapore, Ấn Độ, Indonesia… Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ vật liệu mới cũng đạt được nhiều thành công, tạo ra công nghệ sản xuất các chất hoạt động bề mặt ứng dụng vào khai thác dầu khí, góp phần tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh năm 2014 còn là năm đặc biệt, vì là năm đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5). Việc tổ chức thành công sự kiện này với nội dung và hình thức phong phú, các hoạt động đã tạo được dấu ấn và được xã hội quan tâm. Nhờ đó lần đầu tiên các cụ già, các em nhỏ bắt đầu nói về khoa học công nghệ và nhìn thấy các thành tựu khoa học công nghệ hiển hiện trong cuộc sống của họ. Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực sự là ngày hội tôn vinh của các tầng lớp nhân dân đối với đội ngũ những người làm khoa học Việt Nam.

Các Viện nghiên cứu cũng lần đầu tiên mở cửa để tiếp xúc với công chúng để người dân có thể biết các nhà khoa học làm gì trong phòng thí nghiệm, trong viện nghiên cứu của mình, cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam bởi khoa học và công nghệ Việt Nam đã có thành tựu ở tầm khu vực và thế giới.

“Chúng tôi cho rằng cái gốc của phát triển khoa học công nghệ chính là đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho người làm khoa học tự chủ để phát huy được năng lực sáng tạo của mình,” Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Ngoài ra, năm 2014 cũng đánh dấu là năm đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, dành cho các nhà khoa học Việt Nam là các tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Không dừng lại ở những thành quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Quân đang trăn trở lộ trình thực hiện mua sắm công tập trung.

Theo Bộ trưởng, cùng nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, việc mua sắm trang thiết bị cần tập trung cho một tổ hợp nhiều cơ quan, như vậy sẽ khuyến khích đầu vào để tập trung cho một doanh nghiệp dám dầu tư ra sản phẩm, cung cấp cho hệ thống mua sắm của Chính phủ, đồng thời giảm chi phí. Bởi để mỗi đơn vị mua sắm đấu thầu riêng lẻ chỉ khuyến khích nhập khẩu công nghệ nước ngoài, không khuyến khích mua sắm, sản xuất trong nước, thực tế không có cơ sở sản xuất nào chỉ sản xuất sản phẩm đơn lẻ phục vụ đấu thầu mà tồn tại được, đủ trang trải và hoàn vốn đầu tư.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thảo luận để làm thí điểm, trước tiên thí điểm trong lĩnh vực xử lý môi trường cho chương trình nông thôn mới. Chẳng hạn có mẫu lò đốt rác được đánh giá rất tốt, có hiệu quả nhưng không có mua sắm công tập trung sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư sản xuất lò đốt rác. Nếu thí điểm thành công, sẽ kiến nghị sửa đổi Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công cũng như luật khác liên quan, để đảm bảo việc sản xuất trong nước và đảm bảo sử dụng ngân sách hiệu quả nhất./.

Xem tin gốc:

http://www.vietnamplus.vn/nam-2014-nam-thanh-cong-cua-khoa-hoccong-nghe-viet-nam/299509.vnp

Vietnam + (tdkhiem)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ