SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Người phụ nữ “mê” tự động hóa

[31/12/2014 23:11]

Thông minh, nhiệt tình và đam mê, đó là những phẩm chất dễ nhận thấy của PGS - TS Ngô Kiều Nhi, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu cơ học ứng dụng - Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Chị đã chủ trì 15 đề tài nghiên cứu khoa học và là chủ nhân của Giải thưởng Kô-va-lép-xcai-a năm 2002. Với chị, máy móc, cơ khí hay tự động hóa đã gắn bó với cuộc đời như duyên nợ.

Khởi nghiệp với máy cân bằng động

Ngày chủ nhật, phòng nNghiên cứu cơ học ứng dụng vẫn rộn ràng như mọi ngày bình thường. Từ ngoài cửa đã nghe tiếng mũi khoan “xè xè” đều đặn cắt từng thớ gỗ, từng tốp sinh viên hì hục thao thác trên những máy CNC cỡ nhỏ đặt rải rác khắp phòng. Dĩ nhiên, căn phòng nhỏ đó không thể thiếu PGS-TS Ngô Kiều Nhi, dù rằng đến nay, chị đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm.

Trong giới khoa học những năm 1990, cái tên Ngô Kiều Nhi được nhiều người biết đến và trân trọng, không phải bởi bố chị nguyên là Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn, mà chính là những giá trị khoa học mà chị mang lại. Sinh năm 1945 tại Sài Gòn, cô bé Ngô Kiều Nhi từ nhỏ đã tập kết ra bắc cùng với gia đình, rồi lên đường học tập tại Liên Xô, Khoa Cơ học - khoa tưởng chỉ để dành riêng cho những chàng trai.

Thế rồi, tình cờ học, rồi tình cờ... say mê luôn cả lĩnh vực mà mình được đào tạo này. Trở về nước, Ngô Kiều Nhi lại được thỏa ước mơ làm khoa học của mình là dạy học và nghiên cứu

Trong cái "nôi" Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, sau những đêm miệt mài trong phòng thí nghiệm, hàng loạt những công trình khoa học như "Thiết lập các chương trình tính toán động học cơ cấu phẳng dùng trên vi tính", "Cân bằng các chi tiết quay và khử rung các máy và thiết bị trong sản xuất"... ra đời. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, những nghiên cứu của chị chỉ như “của để dành”.

“Đến năm 1992, may mắn là có một nhà máy cần xuất khẩu những vô-lăng, bánh đà đi nước ngoài nên đã chấp nhận để mình áp dụng thử nghiệm máy cân bằng động. Thành công đầu tiên đã tạo nên bước đệm để mình mạnh dạn mang các nghiên cứu đi chào hàng, được các đơn vị sản xuất hưởng ứng nhiệt tình. Không lâu sau đó, những chiếc máy cân bằng động đã được ứng dụng vào cân bằng tuốc bin máy bay tại xưởng sửa chữa A41 thuộc sân bay Tân Sơn Nhất... ”, PGS-TS Ngô Kiều Nhi nhớ lại.

Trăn trở với khoa học

Con đường khoa học nhiều thành tích và tự hào bao nhiêu thì cuộc sống riêng của chị lại đầy trắc trở. Khởi nghiệp không bao lâu, chị phải chịu một cú "sốc" lớn về mặt tình cảm: Chồng mất. Bao đau khổ và khó khăn cuộc sống bủa vây tưởng như nuốt chửng người phụ nữ trẻ. Nhưng rồi nghĩ đến đứa con thơ, nghĩ đến sự nghiệp khoa học còn dang dở, chị lại cố gắng vượt qua.

Những năm 2000, nắm bắt thời cơ trong nước đang cần máy tiện, phay CNC, chị lân la nhờ các thuyền trưởng tàu viễn dương tìm mua các xác máy CNC từ nước ngoài với giá rẻ. Mang về nước, chị và các đồng nghiệp tiến hành thay thế và sửa chữa phần cơ khí, đồng thời nghiên cứu phát triển riêng hệ thống điều khiển điện tử cho máy. Giá nhập máy mới lên đến cả tỷ đồng. Nhưng máy chị nhập về, sửa chữa chỉ có hơn 100 triệu đồng. Nhờ đó, 300 máy CNC đã đến được các doanh nghiệp sản xuất, giải quyết được bài toán khó về công nghiệp cơ khí chính xác của đất nước.

Hơn 30 năm làm khoa học, PGS-TS Ngô Kiều Nhi đã chủ trì 15 đề tài nghiên cứu khoa học và hàng chục sáng tạo về thiết bị đo. Nhưng với chị, trăn trở về khoa học vẫn còn nhiều lắm: “Sau gần 40 năm phát triển đất nước sau ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, ngành cơ khí nước nhà vẫn không có nhiều thành tựu. Những chiếc máy CNC vốn là biểu tượng cho công nghiệp nặng và cơ khí chính xác hầu như chưa sản xuất được, phải nhập khẩu với giá cắt cổ. Dẫu rằng, chúng ta khởi đầu nghiên cứu không hề chậm. Những nhà khoa học như chúng tôi cũng có một phần lỗi”.

Giờ đây ở vào cái tuổi thất tuần, PGS-TS Ngô Kiều Nhi lại càng tâm huyết hơn đến công tác giảng dạy và truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Dưới sự dìu dắt của chị, những chiếc máy CNC cỡ nhỏ dần hình thành bởi bàn tay, khối óc của các nghiên cứu sinh. Với ánh mắt rực sáng, chị như muốn khẳng định với chúng tôi: “Đó không đơn thuần là những sáng tạo làm đẹp khóa luận tốt nghiệp. Mà chỉ 1-2 năm nữa thôi, những máy CNC này có thể hiện diện ở nhiều doanh nghiệp trong nước”.

Nhân dân điện tử (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ