SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhập viện vì …đồ chơi Trung Quốc

[03/02/2015 14:26]

Mặc dù đã được cảnh báo nhưng không ít bậc cha mẹ vẫn lơ là khi cho trẻ chơi những đồ chơi không rõ nguồn gốc, chất lượng và không phù hợp với lứa tuổi khiến cho không ít trẻ nhỏ gặp phải nguy hiểm khi nuốt phải hay bị những tổn thương do những loại đồ chơi này gây ra.

Đồ chơi trẻ em và những mối nguy rình rập

Mới đây, tại Tp.Hồ Chí Minh một trẻ nhỏ 12 tháng tuổi đã phải nhập viện cấp cứu do nuốt phải hạt li ti có trong đồ chơi khiến em bé này bị tắc ruột. Thông tin từ bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn, phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết, em bé này đã nuốt một hạt rất nhỏ có trong đồ chơi Trung Quốc, sau đó thì không ăn được, liên tục ói trong hai ngày, không đi tiêu được, bụng trướng căng, đau bụng từng cơn.

Sau khi nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đã chụp X-quang, siêu âm thì thấy hình ảnh tắc ruột, không thấy dị vật. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật và phát hiện đoạn ruột phía trên chỗ tắc bị phình rất to, đoạn phía dưới thì xẹp. Phần bị tắc nằm ở cuối ruột non. Dị vật dạng như chất dẻo, hình tròn, đường kính 2,5cm. Kích thước này vừa đủ bít đường ruột gây ra các triệu chứng trên. 

do_choi_gay_hai1.jpg

Dị vật được lấy từ ruột non bé 12 tháng tuổi. Ảnh BS cung cấp

Trước đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa mổ cấp cứu một bệnh nhi cũng khoảng 12 - 13 tháng tuổi nuốt một hạt tròn có trong đồ chơi Trung Quốc, khi vào ruột thì nở ra gây tắc ruột. Chụp X-quang, siêu âm không thấy, phải phẫu thuật mới tìm thấy dị vật.

Một trường hợp khác xảy ra trước đó tại Hà Nội, một bé trai 2 tuổi đã nuốt phải viên bi lấy từ mắt của một con thú nhồi bông, hậu quả là bé cũng phải nhập viện vì nghẹn. Hay trường hợp bé gái 3 tuổi nhét “linh kiện” trong đồ chơi lắp ghép vào mũi khiến cho gia đình một phen tá hỏa…là vài trong nhiều trường hợp đồ chơi trẻ em là thủ phạm gây ra những mối nguy hiểm cho trẻ nhỏ mà nguyên do chính là những loại đồ chơi kém an toàn và không phù hợp với lứa tuổi.

Theo bác sỹ Hoàng Nhật Ánh, Bệnh viện Nhi Trung ương, các trường hợp cấp cứu do trẻ nuốt phải dị vật hầu hết đó là những dị vật có nguồn gốc từ đồ chơi.

“Các bậc cha mẹ dường như không quan tâm đến việc chọn cho con đồ chơi thế nào là đúng và phù hợp. Chính sự bất cẩn này có thể gây lên những nguy hiểm cho trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ”, bác sỹ Ánh cho biết.

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, tại thị trường Hà Nội, đồ chơi trẻ em không có nhãn mác được bán khá phổ biến. Chủ yếu các sản phẩm này được bán nhỏ lẻ tại các cổng trường học, các khu vui chơi và được rất nhiều bậc phụ huynh mua cho con em sử dụng, trong đó không ít loại đồ chơi không phù hợp với lứa tuổi của trẻ nhưng cũng không có bất kỳ một khuyến cáo nào.

do_choi_gay_hai2.jpg

Đồ chơi có hạt rất dễ gây nguy hiểm cho trẻ dưới 3 tuổi

Cho trẻ chơi đồ chơi phù hợp lứa tuổi

Hiện nay trên thị trường đa số là đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, rất nhiều trong số đó được bán trôi nổi, không nhãn mác và không được kiểm định chất lượng. 

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, đối với những loại đồ chơi trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì chắc chắn không đảm bảo an toàn. Ngoài vấn đề chất lượng, chúng còn chứa đựng những nguy cơ mất an toàn cho trẻ nhỏ. Bởi không phải cứ là đồ chơi thì trẻ nào chơi được mà trong mỗi loại đồ chơi đều có quy định phù hợp với từng lứa tuổi và đều phải ghi nhãn cảnh báo.

“Nhãn cảnh báo sẽ giúp cha mẹ quyết định nên mua hay không mua đồ chơi cho con em mình. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, đồ chơi phải dễ cầm nắm nhưng tuyệt đối phải đảm bảo an toàn về độ sắc cạnh, linh kiện không dễ tháo rời tránh cho trẻ ngậm nuốt…  Do vậy, các bậc phụ huynh phải lưu ý việc này không nên mua cho con em sử dụng những đồ chơi không rõ xuất xứ, không tem nhãn và không phù hợp lứa tuổi”, ông Tuấn nói.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN3:2009/BKHCN) ngoài những quy định kỹ thuật thì ghi nhãn cảnh báo cũng là 1 yêu cầu bắt buộc đối với đồ chơi trẻ em nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khoẻ của trẻ.

Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, đồ chơi trẻ em không đơn thuần là thứ để giải trí, chúng còn có tác động không nhỏ đến tư duy và sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó, việc lựa chọn đồ chơi an toàn và phù hợp lứa tuổi không chỉ là cách bảo vệ trẻ mà còn giúp trẻ phát triển và tránh được những rủi ro không đáng có.

"TP.HCM có 13 bé bị tắc ruột do nuốt dị vật từ đồ chơi trong năm 2014

“Khi bé ở độ tuổi lẫm chẫm, cha mẹ phải chú ý không cho con tiếp xúc với những vật nhỏ, nhọn, dễ gây tắc ruột, ngừng thở. Năm 2014 chúng tôi đã gắp thành công 10 ca nuốt dị vật do người nhà phát hiện kịp, dị vật rơi xuống thực quản, dạ dày nội soi gắp được. Còn ba ca phải mổ hở vì dị vật đã xuống đến ruột non”.

             Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn, PT phòng KHTH Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM)”

Theo vietq.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ