Nhan nhản hàng Trung Quốc mác 'made in Vietnam'
Nhan nhản hàng Trung Quốc mác 'made in Vietnam'
Những lô hàng giả xuất xứ Việt Nam không dừng lại ở việc các đầu nậu, chủ kinh doanh tự ý chuyển đổi xuất xứ mà hàng hóa giả này còn được sản xuất, in ấn, đóng gói trực tiếp từ Trung Quốc, sau đó tuồn sang VN tiêu thụ.
Theo Tin tức mới
nhất từ báo Tuổi
Trẻ, mới
đây Chi cục Quản lý thị trường (QLTT)
TP.HCM phát hiện lô hàng hơn 3.000 sản phẩm gồm các loại quần áo, giày, ví da,
thiết bị di động... mang các thương hiệu ngoại
như Nike, Gucci, Versace đựng trong các bao lớn. Trong đó, khoảng 1.500 đôi
giày hiệu Nike có tem nhãn ghi rõ được sản xuất tại VN. Theo quan sát, mặc dù
gắn xuất xứ VN nhưng trên những sản phẩm loại này vẫn còn các tem nhãn chữ
Trung Quốc còn sót lại.
Tương tự, một lô hàng lớn gồm 4 xe tải bị Ban
chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389
quốc gia) kiểm tra khi đang chuyển hàng từ biên giới phía Bắc vào tiêu thụ. Hàng
hóa trên xe ước tính khoảng 100 tấn gồm nhiều chủng loại như: quần áo, phụ tùng
xe máy, xe đạp điện, hàng điện gia dụng… Toàn bộ hàng hóa có xuất xứ từ Trung
Quốc nhưng nhiều sản phẩm gắn mác sản xuất tại VN.
Thậm chí các sản phẩm gia dụng còn ghi rõ
sản xuất tại Hà Đông, Hà Nội với hạn bảo hành 1 năm, có chứng nhận hợp quy
chuẩn, hàng VN chất lượng cao. Ở Tp.HCM, tại các chợ đầu mối Kim Biên (Q.5), An Đông
(Q.6), các loại giày dép có xuất xứ Trung Quốc nhưng hầu hết chủ sạp đều
khẳng định với người mua là hàng trong nước sản xuất.
Hàng Trung Quốc sản xuất nhưng lại gắn mác "made in Vietnam" để
đánh lừa người dùng. Ảnh: Tuổi Trẻ
Do là chợ bán lẻ nên nhiều sản phẩm “lột xác”
chưa hết, vẫn còn những tem nhãn, dòng chữ Trung Quốc trên sản phẩm. Tương
tự với các sản phẩm quần áo, việc thay đổi xuất xứ chỉ đơn giản bằng cách gắn
lên sản phẩm tem nhãn mới.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chiêu trò cắt
mác, khoét mác, hay mác gắn ở cổ là “Made in Vietnam” nhưng ở trong thân áo lại
là “Made in China” là rất phổ biến. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn đầu tư in mác
mới, thay đồng bộ để đánh lừa người tiêu
dùng. Tuy nhiên, mác “đểu” thường dòng chữ “Made in Vietnam” rất mờ,
dễ phai khi giặt chứ không được thêu, in rõ nét như hàng chuẩn. Nếu khách hàng
không tinh ý sẽ khó phát hiện.
Không chỉ vậy, giá cả của loại hàng VNXK
thường không ổn định. Cùng mẫu mã, một số cửa hàng bán khá rẻ nhiều shop lại
thổi cao hơn hàng trăm ngàn đồng. Họ đưa ra nhiều lý do để giữ khách như: Kiểu
lạ, độc đáo chỉ có một chiếc, hay giống hàng hiệu đến 99%.... Đặc biệt, có cửa
hàng còn biến hàng VNXK, có xuất xứ Trung Quốc thành hàng hiệu nhập khẩu để bán
cho khách với giá cao, Zing News đưa tin.
Bạn Nguyễn Liên, sinh viên năm cuối đại học Sư
phạm Hà Nội bức xúc: “Mình mới mua một chiếc quần hiệu Zara tại cửa hàng ở phố
Nghĩa Tân với giá 540.000 đồng. Là khách quen, nên khi chủ shop giới thiệu hàng
mới, chuẩn hàng hiệu, chỉ có một chiếc duy nhất, thấy đẹp nên mình mua ngay. Ai
ngờ khi về nhà, lên mạng xem thì shop online nào cũng bán, kiểu dáng, mác y hệt
giá chỉ 230.000 đồng”. Liên mở mác chiếc quần mới mua ra xem nguồn
gốc thì tá hỏa mác đã bị cắt, xén một nửa.