Xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ gặp trở ngại
Theo nghiên cứu của Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính việc Việt Nam liên tục xuất siêu sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng dẫn tới Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách áp đặt những biện pháp phòng vệ thương mại, làm ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Xơ sợi là 1 trong 2 mặt hàng
xuất khẩu lớn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo số liệu từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, trong năm 2014, kim
ngạch nhập khẩu của nước này từ Việt Nam là 2,009 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt
Nam 168,1 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,178 tỷ USD, tăng 22,7%
so với mức kim ngạch 1,774 tỷ USD của năm 2013.
Kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ tăng đều sau mỗi
năm và Việt Nam liên tục xuất siêu ở mức rất cao sang Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong
những nguyên nhân đến từ việc Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn về chi phí
sản xuất, giá nhân công và nguồn nhiên liệu.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng mạnh, mức tăng
trưởng trung bình mỗi năm khoảng 20 đến 30%. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan
Việt Nam, từ mức gần 1 tỷ USD năm 2012, đã tăng lên 1,2 tỷ USD trong năm 2013
và năm 2014 đã lên tới 1,5 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính tiếp tục là điện thoại di động và
linh kiện (đạt 707 triệu USD, chiếm 46,9% trong tổng kim ngạch) cùng xơ, sợi
(đạt 240 triệu USD, chiếm tỷ trọng 16%), chiếm tới gần 2/3 tổng kim ngạch xuất
khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ,
trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp những thách thức
lớn.
Thứ nhất, chính việc Việt Nam liên tục xuất siêu sang Thổ Nhĩ Kỳ
cũng dẫn tới Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách áp đặt những biện pháp phòng vệ thương mại từ
nước này. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ
thương mại nhất trên thế giới. Đây sẽ là nguy cơ lớn nhất đối với hàng xuất
khẩu của Việt Nam.
Nếu như trong năm 2014, mặt hàng sợi nhân tạo bị kiện chống bán
phá giá và chịu mức thuế từ 20% tới 30% dẫn tới sự sụt giảm kim ngạch tới 25,2%
của cả nhóm hàng xơ sợi, thì cuối năm 2014, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã ra quyết định
điều tra tự vệ đối với mặt hàng đứng đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là
điện thoại di động. Hai mặt hàng có kim ngạch lớn khác là đá granite và ống
thép inox cũng bị điều tra chống lẩn thuế chống bán phá giá.
Thứ hai, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng chậm trong 2 năm liên tiếp
và dự báo trong năm 2015 cũng chỉ đạt 3,5%, cùng với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ
mất giá mạnh sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu nhập khẩu.
Thứ ba, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong
việc tìm đường vào Thổ Nhĩ Kỳ vì nhiều lý do như hàng rào thuế quan, chính sách
bảo hộ đối với sản phẩm nông nghiệp, các biện pháp kỹ thuật hay thị hiếu khác
biệt của người tiêu dùng (với các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, chè, thủy
sản …) cũng làm cho khả năng gia tăng xuất khẩu bị hạn chế.
Thứ tư, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam cơ cấu mặt hàng xuất
khẩu còn chưa đa dạng, phụ thuộc quá nhiều vào 2 mặt hàng chủ lực là điện thoại
di động và xơ sợi. Nếu hai mặt hàng gặp khó khăn do chính sách từ phía Thổ Nhĩ
Kỳ thì khả năng đạt mức kim ngạch hai chiều 3 tỷ USD vào năm 2016 sẽ gặp khó
được nếu không có sự nỗ lực đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, tìm kiếm những mặt
hàng mới và tăng cường công tác xúc tiến thương mại tại thị trường.
Theo baocongthuong.com.vn (Duc Luu)