SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tại sao giá gạo xuất khẩu VN thấp nhất thế giới?

[04/05/2015 14:58]

Giá chào bán gạo của VN hiện đang ở mức thấp nhất trong số các quốc gia xuất khẩu gạo, tại sao? Làm cách nào để có đầu ra?

Trái với dự đoán, trong suốt thời gian triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (2 triệu tấn lúa) diễn ra từ ngày 1-3 đến 15-4 vừa qua, giá gạo xuất khẩu của VN vẫn liên tục giảm.

Thấp kỷ lục

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, giá chào bán gạo xuất khẩu của VN hiện chỉ còn 355-365 USD/tấn với loại gạo 5% tấm, thấp hơn 10 - 50 USD/tấn so với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan...

Tuy nhiên, vẫn rất ít giao dịch được thực hiện trong thời gian qua dù các doanh nghiệp đã tồn kho khá lớn do mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) theo chủ trương của Chính phủ, ngoài ra còn lượng gạo mà các doanh nghiệp tự mua để kinh doanh.

Với mức giá chào bán như trên, giá gạo xuất khẩu của VN đang ở mức thấp nhất trong số các quốc gia xuất khẩu gạo chính.

Mức giá này thấp hơn 15 USD/tấn so với gạo Ấn Độ, 25 USD/tấn so với gạo Pakistan và 40 USD/tấn so với gạo của Thái Lan. Đây cũng là mức giá bán thấp nhất trong vòng năm năm qua của gạo VN.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Tiền Giang cho hay với mức giá này thì các doanh nghiệp mua tạm trữ đang bị lỗ.

Giám đốc này cho hay hàng tạm trữ đang chất đầy trong kho trong khi các khách hàng vẫn tiếp tục ép giá. Thời hạn hỗ trợ lãi suất đang hết dần khiến các doanh nghiệp phải tìm mọi cách bán hàng để thu hồi vốn trả cho ngân hàng, nếu không sẽ bị xếp hạng tín dụng xấu.

“Nếu không có gì đột biến trong vài tháng tới thì lượng gạo vụ đông xuân vừa qua sẽ chuyển sang vụ hè thu và như vậy áp lực tiêu thụ gạo cuối năm nay càng thêm khó khăn”, vị giám đốc này nói.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 9-4, VN mới xuất khẩu được 1,073 triệu tấn gạo các loại, giảm trên 250.000 tấn so với cùng kỳ 2014 với giá trị 445,6 triệu USD.

Khó bán

Sau khi kết thúc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vào ngày 15-4 vừa qua, ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết dù kế hoạch mua tạm trữ đã đạt được nhưng áp lực về bán hàng với các doanh nghiệp là rất lớn vì thiếu các hợp đồng xuất khẩu.

“Gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay chủ yếu vẫn từ các hợp đồng đã ký từ trước, hợp đồng mới rất ít”, ông Năng cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia lúa gạo và bản thân các doanh nghiệp, dù giá gạo VN giảm nằm trong xu hướng giảm giá chung của giá gạo thế giới và giá nông sản toàn cầu, nhưng việc giá gạo VN giảm mạnh nhất và xuống mức thấp nhất thế giới bởi chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường chính. Và khi các thị trường này thay đổi cách thức nhập khẩu gạo hay giảm nhập khẩu là VN có vấn đề.

Trong vài ba năm trở lại đây, VN chủ yếu bán gạo cho các thị trường châu Á gồm Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia trong khi việc mở rộng thị trường mới diễn ra rất chậm. Không những vậy, nhiều thị trường châu Phi trước đây VN có thị phần lớn cũng mất dần do sự cạnh tranh mạnh mẽ của gạo Ấn Độ và Pakistan.

Các năm trước đây, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 40 - 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của VN và là động lực giữ giá gạo xuất khẩu trong nước. Do đó, năm nay khi nước này chưa mở cửa cho gạo VN thì tình hình tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn.

“Gạo xuất khẩu từ đầu năm 2015 đến nay chủ yếu vẫn từ các hợp đồng đã ký kết từ trước, trong khi hợp đồng mới với số lượng lớn hầu như không có..." - ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch VFA cho biết.

Hiếm hợp đồng mới, đầu ra ở đâu?

Theo VFA, tính từ đầu năm đến 13-4-2015, VN mới chỉ xuất khẩu được 1,144 triệu tấn gạo các loại với giá trị 472,8 triệu USD.

Đây là mức xuất khẩu thấp nhất trong cùng khoảng thời gian tính từ năm 2008 đến nay (chín năm).

VN cũng là nước duy nhất trong sáu quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất châu Á (Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Campuchia) có lượng gạo xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.

Hiện VN đã mất vị trí nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới vào tay Pakistan. Sau khi cùng Ấn Độ và Thái Lan chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gạo của VN tại châu Phi, Pakistan mới đây đã đàm phán với Chính phủ Philippines về các thỏa thuận thương mại gạo.

Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và Campuchia cũng đang tích cực tiếp xúc với các thị trường chính còn lại của VN.

Ông Phạm Hoàng Lâm, tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Lâm (An Giang), cho hay các năm trước khi các thị trường tập trung như Philippines, Indonesia, Malaysia chậm mua gạo của VN thì Trung Quốc trở thành nơi giải quyết hàng tồn kho.

Tuy nhiên, đến thời điểm này phía Trung Quốc vẫn còn kiểm soát chặt biên giới nên buôn bán gạo tiểu ngạch giữa VN - TQ diễn ra chậm chạp, càng làm áp lực tiêu thụ gạo của VN thêm khó khăn hơn.

“Không có thương hiệu, không đa dạng hóa thị trường chính là rào cản để gạo VN tìm được đầu ra trong giai đoạn này”, ông Lâm cho hay.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, nếu công tác thị trường được quan tâm đúng mức, gạo Việt Nam bảo đảm được chất lượng, giá cả cạnh tranh thì châu Phi và một số nước Tây Á sẽ là thị trường tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ của người dân ở khu vực này còn rất lớn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ngoài việc cần tạo thương hiệu cho gạo Việt thì các cơ quan chức năng cần chú trọng hơn nữa biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới.

Theo tuoitre.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ