Chế tạo một dạng vật liệu tự liền mới
Các nhà nghiên cứu của Trường đại học Bang Arizona, Mỹ, vừa chế tạo một loại vật liệu có khả năng không chỉ cảm ứng được hư hại ở các vật liệu cấu trúc, ví dụ như vết nứt ở composit được gia cố sợi, mà còn thậm chí có thể làm liền nó. Mục đích của nghiên cứu này là phát triển “các cấu trúc thích ứng tự chủ” nhằm bắt chước khả năng cảm ứng được hư hại, làm ngăn trở quá trình tiến triển của hư hại và tự tái tạo của các hệ sinh học ví dụ như xương.
Vật liệu tự chủ mới lạ này được phát triển bằng cách sử dụng các polime “nhớ được hình dạng” được nhúng với một mạng sợi quang hoạt động như bộ cảm ứng dò ra hư hại và hệ phân tán kích thích nhiệt để tạo ra một phản ứng bắt chước các đặc tính làm liền và cảm ứng tiên tiến có ở các hệ sinh học. Một tia laser hồng ngoại truyền ánh sáng qua hệ quang sợi để làm nóng cục bộ vật liệu, kích thích cơ chế tự liền và cứng lại.
Hệ vật liệu này có khả năng làm tăng độ cứng của một mẫu vật lên tới 11 lần. Sau khi làm cứng mẫu vật, vết nứt có thể được làm liền bằng cách sử dụng hiệu ứng nhớ hình dạng để phục hồi tới 96% độ cứng ban đầu của vật liệu. Trên thực tế, sau khi vết nứt được làm liền, vật liệu mới này gần như cứng gấp 5 lần so với mẫu vật ban đầu. Vật liệu và quy trình làm liền có thể được áp dụng trong khi cấu trúc vẫn đang vận hành. Đây vốn là một nhiệm vụ bất khả thi đối với các kỹ thuật làm liền hiện tại.