Đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững
Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai tại diễn đàn “Quảng Ninh trước thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và tuyên truyền luật bảo vệ môi trường 2014” do Báo Tài nguyên & Môi trường, Sở TN&MT Quảng Ninh, Báo Quảng Ninh tổ chức sáng 12/6.
Thứ trưởng Bộ
TN&MT Nguyễn Thái Lai phát biểu tại diễn đàn
Cùng dự và chỉ đạo
diễn đàn còn có ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn
Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cùng đại diện lãnh đạo các Bộ,
ban, ngành, các Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ TN&MT, các sở, ngành của
tỉnh Quảng Ninh cùng hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, các diễn giả, các
doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Khai mạc diễn
đàn, ông Hoàng Văn Thành, Tổng Biên tập Báo Tài nguyên & Môi trường,
Trưởng Ban tổ chức khẳng định: Diễn đàn chính là cơ hội để các cấp chính quyền,
chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp có điều kiện trao đổi, thảo luận đưa ra những
khó khăn, trở ngại và tìm giải pháp phù hợp, hiệu quả phát triển kinh tế theo
hướng tăng trưởng bền vững. Đây cũng là dịp để những người làm luật, nhà quản
lý và doanh nghiệp cùng trao đổi để làm sao cho Luật bảo vệ môi trường 2014 đi
vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Phát biểu tại diễn
đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai cho rằng, Quảng Ninh một địa
phương tiêu biểu, là địa phương được đánh giá có tiềm năng lớn về tài nguyên -
môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đang phải đối mặt
với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức, đặc biệt là mâu thuẫn giữa việc phát triển
công nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ; thách thức giữa phát triển công
nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống; thách thức
giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và
nước biển dâng. Do đó đối với Quảng Ninh, việc đổi mới mô hình tăng trưởng là
yêu cầu cấp bách, xuất phát từ tình hình thực trạng hiện nay.
Theo Thứ trưởng,
để có thể phát triển theo mô hình bền vững, Quảng Ninh cần thực hiện bốn giải
pháp. Đó là, cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng
phát triển theo chiều sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các
ngành công nghiệp sinh thái và dich vụ môi trường. Hạn chế phát triển những
ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Đổi mới
công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn. Tạo thêm việc làm và cải thiện
chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tiếp đó là giảm
khí phát thải nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng
năng lượng tái tạo, thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi
khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và các nguồn
tài nguyên thiên nhiên khác. Quảng Ninh thúc đẩy việc xanh hóa lối sống
và thực hiện tiêu dùng bền vững. Trong đó thực thi đô thị hóa bền vững;
xây dựng nông thôn mới với lối sống hài hòa với môi trường. Tiến tới thay đổi
các mô hình và hành vi tiêu dùng theo hướng bền vững và xây dựng lối sống xanh.
Và cuối cùng là tăng cường các nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ chính thức (ODA), các nguồn đầu
tư từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho bảo vệ môi trường và ứng phó
biến đổi khí hậu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh; tăng cường hiệu quả hoạt
động của các quỹ bảo vệ môi trường và các nguồn lực tài chính khác.
Tại diễn đàn,
hàng chục diễn giả đã có bài tham luận nêu bật nội dung, ý nghĩa và kiến nghị của
tăng trưởng xanh đối với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đối với Quảng
Ninh nói riêng và cả nước nói chung. PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh, Phó viện trưởng,
Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ TN&MT cho rằng, để
đạt được mục tiêu chính sách kinh tế xanh và bảo vệ môi trường, cần phải chuyển
đổi phương thức phát triển kinh tế, hướng tới phát triển “nền kinh tế xanh” là
hướng tiếp cận mới, tuy nhiên xét về dài hạn đây là hướng tiếp cận phù hợp với
xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu”.
|
Toàn cảnh diễn đàn |
Ở một góc độ
khác, theo ông Ichiro Adachi đến từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản – JICA,
khi xem xét công nhận một xã hội bền vững, cần phải xem xét các giá trị và tiêu
chí về môi trường, xã hội và kinh tế. Trong điều kiện này, điều quan trọng nhất
của việc xây dựng một thành phố tràn đầy sức sống là hoạt động kinh tế. Sáng kiến
"Thành phố tương lai" nhằm mục đích tạo ra một thành phố tràn đầy sức
sống thông qua các sáng kiến toàn diện có thể giải quyết các thách thức nêu
trên.
“Để thực hiện được
tăng trưởng xanh, các quốc gia cần chú trọng vào mối quan hệ giữa người dân,
doanh nghiệp và chính phủ. Quy định do chính phủ ban hành đôi khi rất hiệu quả
trong việc đổi mới quản lý môi trường. Hiện tại, các công ty tư nhân đi từ việc
thực hiện "Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp" hướng tới "Tạo lập
giá trị chung" - ông Ichiro Adachi bày tỏ.
Chia sẻ với các
đại biểu tham gia diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu
cho rằng: Với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh
tế, trong những năm trở lại đây Quảng Ninh là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh,
tăng trưởng kinh tế (GDP) luôn ở mức ổn định trên 10%, thu nhập bình quân đầu
người gấp 1,65 lần so với toàn quốc, thu ngân sách năm 2014 đạt trên 34 nghìn tỷ
đồng đứng thứ 5 trên toàn quốc... Mặc dù phát triển kinh tế xã hội đã đạt được
những kết quả khá khích lệ nhưng trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đang phải
đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức, đặc biệt là những vấn đề về môi
trường và phát triển bền vững.
Từ những
hạn chế và những thách thức trong thực tế phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã nhận
diện nguy cơ, hạn chế và những thách thức từ phương thức phát triển trước đây,
từ đó xác định triết lý phát triển mới, trong đó triết lý chuyển đổi mô hình
kinh tế từ “nâu” sang “xanh” đã bắt đầu hình thành. “Quảng Ninh đã quán triệt mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng
xanh; gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện Chiến lược với quá trình xây dựng và
phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu,
các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cấp, các ngành và toàn thể
nhân dân tập trung thực hiện.
“Với quan điểm
xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh ở Quảng Ninh là
vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa làm vừa điều chỉnh cho hợp lý, cân đối hài
hòa giữa khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với việc bảo vệ cảnh
quan môi trường và phát triển du lịch dịch vụ, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm và tin
tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch
vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu
kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội,
hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, không ngừng nâng cao đời sống vật chất,
tinh thần của nhân dân; bảo vệ môi trường bền vững” – ông Đặng Huy Hậu nói.
Tại Diễn đàn, Thứ
trưởng Nguyễn Thái Lai đánh giá cao và biểu dương Báo Tài nguyên & Môi
trường, Sở TN&MT Quảng Ninh và Báo Quảng Ninh đã có sáng kiến
trong việc tổ chức diễn đàn quan trọng này. “Thông qua diễn đàn này, thay mặt
lãnh đạo Bộ TN&MT, tôi đề nghị các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể
quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hãy có những
hành động thiết thực góp phần thiết thực tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày
Môi trường thế giới 2015 nói riêng, chung tay xây dựng nền kinh tế xanh vì sự
phát triển bền vững cho tương lai bằng những hành động cụ thể.” - Thứ trưởng
Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.