SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bản tin Hàng rào Kỹ thuật trong thương mại (TBT) tháng 7

[14/07/2015 13:53]

Thông tin hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hội nhập và “cuộc chiến mới” phía sau hàng rào thuế quan

Trong quá trình hội nhập, các biện pháp hỗ trợ thị trường nội địa vẫn luôn được các quốc gia tăng cường sử dụng. Câu chuyện cá tra, cá basa Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ, thép cuộn cán nguội xuất khẩu bị áp thuế chống bán phá giá tại Indonesia… không còn xa lạ và tới đây các “cuộc chiến” bảo trợ sau hàng rào thuế quan sẽ còn diễn ra mạnh mẽ và tinh vi hơn.

ttxvn600dn.jpg

Tôn, thép Việt Nam đối mặt với nguy cơ từ tranh chấp thương mại

Quay trở lại thị trường nội địa, các cam kết hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức, như sự gia tăng cạnh tranh giành thị phần, sự chèn lấn về khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nước ngoài… với doanh nghiệp trong nước. ​Tình hình đã khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Chúng ta còn bao nhiêu không gian chính sách để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước?
Cơ hội nghiêng về khối ngoại

Một nghiên cứu gần đây nhất từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức Action Aid International tại Việt Nam đã nhấn mạnh ý nghĩa phát triển kinh tế mũi nhọn, trong đó chỉ ra hai lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh phát triển là công nghiệp điện tử và công nghiệp chế biến thực phẩm.

Báo cáo với chủ đề “Tác động của các hiệp định thương mại tự do và hiệp định đầu tư song phương tới các mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam” đã ​nhấn mạnh điện tử là ngành Việt Nam có tiềm năng phát triển cao trong tương lai, khi gần đây các công ty điện tử đa quốc gia đang tăng sự quan tâm đầu tư và mở rộng sản xuất.

Đáp ứng chuẩn mực quốc tế: Thách thức của doanh nghiệp Việt

Các phân tích trong đó cho rằng đây là yếu tố cơ hội giúp tăng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng các sản phẩm điện tử dân dụng.

Xét về các điều kiện cam kết, sau khi gia nhập WTO, thuế quan đối với các sản phẩm điện tử được thực hiện khá nhanh. Trần thuế nhập khẩu với tất cả sản phẩm điện tử giảm về mức 0% trong (vòng 3 năm-5 năm hoặc tối đa 7 năm).

Việc thực thi cam kết cắt giảm thuế quan trong các (Hiệp định thương mại tự do) FTA khu vực từ 2006 cũng tác động đáng kể đến ngành điện tử ở Việt Nam khi hầu hết các dòng thuế đều được cắt giảm về 0%.

 Liên quan đến các cam kết đầu tư, trong khuôn khổ WTO và những thay đổi gần đây cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài được trao nhiều quyền/cơ hội trong việc nắm giữ cổ phần trong các doanh nghiệp nội địa.

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán hướng tới phạm vi rộng hơn, trong đó nhấn mạnh những quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam khó có thể giảm những ưu đãi đã cấp cho các doanh nghiệp điện tử nước ngoài (cao hơn so với doanh nghiệp trong nước) nếu có các cam kết chặt chẽ hơn về bảo hộ, xử lý tranh chấp giữa nhà đầu tư và Chính phủ.

Trước bối cảnh đó, ​chuyên gia Nguyễn Anh Dương ​thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, quá trình hội nhập quốc tế đã tác động đáng kể đến không gian chính sách đối với ngành điện tử, như thu hẹp không gian chính sách thuế quan, giảm mức độ và khả năng sử dụng các biện pháp phi thuế quan, hạn chế hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp trong nước và giảm các biện pháp hỗ trợ liên quan đến đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước.
“Tuy vậy, Chính phủ vẫn còn dư địa để thực hiện những biện pháp hỗ trợ ngành này, bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo và tập huấn cho lao động, nghiên cứu và triển khai, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, bởi những biện pháp thuần túy thương mại để hạn chế các sản phẩm điện tử thâm nhập thị trường hầu như không còn nhiều dư địa,” ông Dương đề xuất.
Hàng rào phi thuế quan... không dễ

Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp đến 2025 và tầm nhìn đến 2035 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 879, đã đặt nền tảng phát triển cho ngành công nghiệp chế biến, trong đó có chế biến thực phẩm.

Nhưng bối cảnh hội nhập quốc tế  hiện cũng cho thấy nhiều vấn đề đối với ngành chế biến thực phẩm. Cụ thể​: Mức thuế nhập khẩu sẽ bị cắt giảm dần, các quy tắc xuất xứ ngày càng phức tạp hơn, như vậy việc áp dụng quy tắc xuất xứ trong nước khó có thể giúp hạn chế cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.

 Thêm vào đó, việc tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ cũng không dễ dàng, trong khi ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam thường đi chậm hơn trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu sáng chế, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý…

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam đối với ngành chế biến thực phẩm thấp hơn so với các nước phát triển nên khi áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn sẽ mang lại thách thức cho doanh nghiệp nội địa (quy tắc Đối xử quốc gia trong WTO và các hiệp định thương mại tự do khác).

Ông Nguyễn Tiến Dũng , Phó giám đốc, Economica Vietnam nhấn mạnh, các cam kết từ Hiệp định TPP tới đây có các điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ được mở rộng hơn nhiều so với WTO, do đó việc sử dụng hàng rào phi thuế quan sẽ bị hạn chế bởi những quy định liên quan đến đảm bảo minh bạch.

Theo ông Dũng, những nỗ lực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, song nếu thiếu quan tâm đúng mức đến thực trạng phát triển và mong muốn của doanh nghiệp trong nước, có thể ảnh hưởng bất lợi tới sự phát triển sản xuất.

 “Do đó, Việt Nam cần một lộ trình phù hợp và đủ dài với quyết định tiếp cận đối với các FTA và BIT, để có thể đảm bảo khả năng đó có thể thành hiện thực hóa. Chính phủ cần duy trì không gian chính sách bằng khả năng sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo môi trường phát triển thuận lợi, phù hợp và nhất quán cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến ở Việt Nam,” ông Dũng kiến nghị./.

Nguồn: TTXVN

 Xuất khẩu nông, thủy sản sang EU: DN cần có sự chuẩn bị cao nhất

FTA Việt Nam –EU dự kiến sẽ được kí kết vào cuối năm nay đang mang đến cơ hội mở rộng thị phần hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam tại thị trường truyền thống này, đặc biệt đối với hàng nông thủy sản.


IMG_4562.jpg

Tại hội thảo Kinh doanh với thị trường Phần Lan và EU do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3-7 tại TP.HCM, ông Lê Kỳ Anh, chuyên gia kinh tế và thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua tăng trưởng XK sang EU luôn đạt tốc độ từ 15% đến17%/năm. EU là thị trường XK quan trọng của nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

Điển hình như trong năm 2014, kim ngạch XK mặt hàng điện thoại vào thị trường EU chiếm 40%, giày dép chiếm 30%, dệt may gần 17%, trong tổng kim ngạch XK các mặt hàng này.

Điều đáng chú ý là tuy EU chưa phải đối tác lớn nhất của Việt Nam nhưng lại là đối tác mang lại cho Việt Nam thặng dư thương mại lớn. Trong năm 2014 thặng dư thương mại từ thị trường này là gần 19 tỉ USD.

Theo ông Lê Kỳ Anh, lí do giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh XK tại thị trường EU ngoài sự năng động của DN trong việc đáp ứng những yêu cầu của thị trường này và đặc tính bổ sung từ hai khu vực kinh tế, Liên minh châu Âu còn được đánh giá là khá hào phóng khi cho Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) ngay từ khi hai bên mới chỉ kí Hiệp định hợp tác khung từ năm 1996.

Mặc dù vậy, DN Việt Nam vẫn chưa khai thác hết ưu đãi GSP từ EU. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tỉ lệ hưởng ưu đãi GSP cao nhất của DN Việt Nam mới chỉ đạt 40% trong khi đó DN Thái Lan đã khai thác được tới 68%.

“Lợi thế từ ưu đãi thuế của thị trường EU sẽ được khai thác triệt để hơn sau khi FTA Việt Nam- EU được kí kết. Tuy nhiên, Hiệp định là cơ hội còn thành công hay không còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp (DN). Do vậy, DN cần có sự chuẩn bị cao nhất thì mới có thể tận dụng được lợi thế từ Hiệp định này”, ông Lê Kỳ Anh cho biết.

Riêng đối với mặt hàng nông thủy sản, ông Nguyễn Văn Giáp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tuy thị trường EU đã chiếm tới 18,6% tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam nhưng tỉ trọng hàng nông, thủy sản XK vào thị trường này còn rất hạn chế (kim ngạch XK hàng nông thủy sản vào EU mới chỉ chiếm trên 10% tổng giá trị XK nhóm hàng này), tập trung chủ yếu là thủy sản và cà phê.

Theo ông Giáp, khi FTA Việt Nam – EU được kí kết các ngành có hàm lượng chế biến sẽ có ưu thế khi thuế XK của Việt Nam vào EU giảm về 0%. Tuy nhiên, các mặt hàng sơ chế, thô, và nguyên liệu lại không được hưởng lợi. Bên cạnh đó, các yêu cầu nghiêm ngặt về tiếp cận thị trường liên quan đến an toàn và sức khỏe người tiêu dùng, yêu cầu về môi trường, chất lượng... của EU sẽ là những thách thức không nhỏ đối với hàng hóa Việt Nam vì dù có thuế tốt nhưng nếu không đáp ứng được các yêu cầu này thì cũng sẽ không vào được thị trường.

Vì vậy, để tiếp cận hiệu quả, các DN cần chủ động yêu cầu hỗ trợ về kĩ thuật, thông tin tiêu chuẩn, thông tin thị trường, thị hiếu khách hàng... từ chính nhà phân phối để đảm bảo sản phẩm mình làm ra phù hợp với quy định chung của EU, phù hợp với yêu cầu của nhà NK và được người tiêu dùng chấp nhận.

Bên cạnh đó, các DN cũng nên tính đến việc hợp tác với các nhà phân phối từ khâu sản xuất đối với các mặt hàng chưa đủ năng lực xây dựng nhãn mác riêng...

Nguyễn Huế

Nguồn: Báo Hải quan 

 (Để có nội dung đầy đủ các thông báo của các nước thành viên WTO, Quý bạn đọc có thể truy cập vào địa chỉ Portal của Văn phòng TBT Việt Nam: http://www.tbtvn.org)

Mọi góp ý đối với các dự thảo trên xin gửi về:

Văn phòng TBT Cần Thơ

Số 02 Lý Thường Kiệt, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Email: tbtcantho@tbtvn.org

Điện thoại: 07102 246 066

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ